Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để tạo việc làm cho người lao động và giữ chân khách hàng, các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất kinh doanh vừa phòng chống đại dịch.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Gò Đàng (tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện nay, hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào, chi phí tăng và xuất khẩu rất chậm.
Để thực hiện mục tiêu kép, công ty phải nỗ lực không ngừng để duy trì sản xuất, ổn định thu nhập cho công nhân. Ở thời điểm này, công ty cổ phần Gò Đàng có khoảng 5.000 lao động tại các nhà máy ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, thị trường xuất khẩu vẫn mở rộng ra 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, công ty chủ động nuôi 300 ha ao cá tra tại nhiều tỉnh để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến.
“Tình hình chung, doanh nghiệp xuất khẩu cầm chừng. Bây giờ, doanh nghiệp duy trì sản xuất, nguồn nguyên liệu từ doanh nghiệp tự cung, đủ để sản xuất. Chống dịch thì theo quy định: thực hiện 5K, khai báo y tế, đo nhiệt độ, truy xuất, vận động phát loa… Nói chung công nhân chấp hành tốt, sợ mất công ăn việc làm, công ty liên tục động viên người lao động” - ông Nguyễn Văn Đạo nói.
Còn tại Công ty TNHH sản xuất và Thương mại- dịch vụ Hoan Vinh- doanh nghiệp chuyên gia công trang phục xuất khẩu, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, từ khi dịch Covid-19 bùng phát hoạt động sản xuất kinh doanh giảm công suất và lợi nhuận trên 50% so với trước đây, thậm chí không có lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động liên tục để đảm bảo đời sống cho gần 600 công nhân.
Ông Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất và Thương mại- dịch vụ Hoan Vinh chia sẻ: “Hàng của công ty trước đây làm chuyên xuất khẩu đi Mỹ, giờ công ty làm cả các mặt hàng truyền thống hồi và có gia công thêm một số mặt hàng khác. Mấy tháng bình thường không có dịch thì sản xuất khoảng 300.000 - 350.000 sản phẩm. Hiện giờ chỉ còn sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm. Công ty phải hoạt động để công nhân có lương. Nếu không đủ thì công ty bù lương, phụ thêm”.
Đối với lĩnh vực xây dựng, ở thời điểm này, các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang cũng gồng mình trước cơn “bão giá” vật tư đầu vào; thị trường tiêu thụ giảm. Song để phục vụ nhu cầu của khách hàng và giữ chân lao động, các doanh nghiệp tiếp tục vượt khó, điều chỉnh phương thức sản xuất kinh doanh theo hướng giảm chi phí không cần thiết, để có lợi nhuận.
Công ty bê tông TICCO- Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cũng không tránh khỏi khó khăn khi nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân hay các công trình xây dựng của doanh nghiệp, các dự án đầu tư công của Nhà nước bị thu hẹp. Sản phẩm bê tông tươi và cột, trụ bê tông đúc sẵn của doanh nghiệp bán ra thị trường giảm hơn trước đây hơn 50%.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Giám đốc công ty Bê tông TICCO- Tân Phước cho biết: “Công ty hiện hoạt động bình thường, hàng có chậm. Bê tông tươi mỗi ngày cấp khoảng 200 m3, lúc trước khi có dịch là 400 m3/ngày. Công nhân cũng có cắt giảm công nhân thời vụ”.
Đáng ghi nhận là lĩnh vực gia công, chế biến trái cây, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đưa nhiều mặt hàng trái cây đặc sản đi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nga, EU, Mỹ, Nhật… giải quyết một lượng lớn trái cây của nhà vườn.
Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, nhờ sự nỗ lực thực hiện mục tiêu kép của các doanh nghiệp đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng năm 2021, đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng trên 20% so cùng kỳ năm ngoái và đạt gần 50 % kế hoạch cả năm. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu đến trên 1,4 tỷ USD.
Hiện nay, các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang mong chính quyền và các ngành chức năng địa phương, sớm quan tâm triển khai các gói kích cầu của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách miễn giảm thuế, tiền đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ người lao động mất việc… Qua đó, giúp doanh nghiệp và người lao động giảm bớt khó khăn, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.