Nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, TP HCM thực hiện việc chi ngân sách để trợ giá xe buýt, qua đó khuyến khích đầu tư phát triển xe buýt và kéo giảm giá vé cho hành khách. 

Hưởng lợi hàng trăm triệu đồng từ nguồn trợ giá

Theo thống kê của TP HCM, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm thành phố đã phải chi từ 700 tỷ đồng đến 1.400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho công tác này. Theo quy định, bình quân trợ giá xe buýt hiện nay là 4.320 đồng/vé.

xe-buyt-1.jpg
Lái xe xé khống vé khi lượng hành khách trên tuyến quá ít. (Ảnh: TTO)

Tuy nhiên, việc làm này tỏ ra không hiệu quả khi trên thực tế, tại nhiều tuyến xe buýt có lượng khách ít, nhân viên, lái xe đã phải xé khống vé để tạo ra hành khách ảo, nhằm hưởng lợi bất chính từ tiền trợ giá xe buýt, gây lãng phí, thiệt hại lớn cho hiệu quả đầu tư cũng như ngân sách.

Mới đây, theo điều tra của báo chí, trên tuyến xe 51 (bến xe miền Đông - chợ Bình Hưng Hòa, TP HCM), khi Sở GTVT TP HCM giao chỉ tiêu quá cao (21 khách/chuyến) trong khi lượng khách thực tế không chuyến nào đạt được chỉ tiêu trên, điều này đã khiến tình trạng xé khống vé xe buýt xảy thường xuyên.

Theo lý giải của lái xe, việc xé khống vé là bất đắc dĩ vì tiền mua vé cao (500.000 đồng/10 xấp vé). Nếu không xé để có bằng chứng đủ khách đạt theo chỉ tiêu thì tiền trợ giá sẽ giảm.

Bình luận về tình hình xé khống vé xe buýt, một cán bộ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, bình quân trợ giá xe buýt hiện nay là 4.320 đồng/vé, vậy là mỗi ngày có đến hàng trăm triệu đồng bị tiêu tốn vô nghĩa do việc xé khống vé.

Không những thế, theo một cán bộ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, không chỉ có các hợp tác xã vận tải mà tài xế, nhân viên một số công ty xe buýt cũng xé khống vé, trong đó có vé lượt dành cho học sinh sinh viên 2.000 đồng/người. Đây là loại vé mà người đi phải trình thẻ học sinh sinh viên.

Tại Công ty TNHH MTV xe khách Sài Gòn và Công ty liên doanh Sài Gòn Star, đã xuất hiện tình trạng tiếp viên xe buýt thu gom vé tập về bán lại cho các hợp tác xã. Đơn vị xe buýt này còn cho rằng, nếu họ thực hiện việc xé vé tập để hoàn thành chỉ tiêu số lượng khách thì bình quân mỗi ngày đơn vị này phải xé bỏ 260 tập vé, tương đương 7.800 hành khách đi với khoản tiền hơn 310 triệu đồng/ngày.

Theo một lãnh đạo Hợp tác xã vận tải, sau khi xé khống vé, ngoài tiền lương, nhân viên họ còn được thưởng 700.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng nếu đạt chỉ tiêu. Chính vì điều này, các đơn vị vận tải luôn muốn nhận chỉ tiêu sản lượng khách đi lại cao để được hưởng trợ giá cao. Ngược lại, nếu không đạt chỉ tiêu, giảm 1% thì bị trừ 1% tiền trợ giá.

Ngoài sự hấp dẫn của thu nhập hậu hĩnh từ việc xé khống vé, các đơn vị xe buýt cho biết, trong hợp đồng thực hiện chỉ tiêu sản lượng năm 2012, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM còn đưa ra điều kiện nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu sẽ phạt thêm 5% tổng số tiền trợ giá. Đây cũng chính là áp lực cho nạn xé khống vé ngày càng gia tăng.

Thực tế cho thấy, các đơn vị vận tải xe buýt không dại gì từ chối nhận chỉ tiêu hành khách cao với số tiền trợ giá phóng khoáng. Họ cũng không dại gì khai báo sự thật khách đi xe buýt đang giảm để rồi nộp số tiền phạt rất lớn.

Có hay không nên áp dụng trợ giá?

Đứng trước thực trạng này, trao đổi với báo chí, ông Dương Hồng Thanh - phó giám đốc Sở Giao GTVT TP HCM cho biết, tới đây, Sở GTVT sẽ có kế hoạch thanh tra hoạt động trợ giá xe buýt.

Trước mắt, Sở yêu cầu các đơn vị vận tải giải trình liên quan đến việc xé vé khống để hưởng tiền trợ giá, trên cơ sở đó sẽ có hướng xử lý cụ thể. Nhận định về việc nhiều tài xế xé vé khống, ông Thanh cho rằng đó là hành vi sai, sai ở mức độ nào thì sau khi xác minh sẽ có hướng xử lý, nếu cần thiết có thể chuyển hồ sơ qua cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề trợ giá xe buýt, ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng doanh nghiệp đã trục do khoản tiền trợ giá quá lớn. “Theo tôi, UBND TP nên sớm chấm dứt cơ chế trợ giá bao cấp như hiện nay. Các cơ quan thẩm quyền TP nên xác định vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là một dịch vụ công. Theo đó, cần phải đấu thầu dịch vụ công này và có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước chứ không buông lỏng việc kiểm soát như hiện nay” - ông Sanh nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Sen - đại biểu HĐND TP.HCM, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cũng nói việc xé khống vé xe buýt là một hành động phi pháp, có thể coi là lập chứng từ giả. Do đó cần phải xử lý nghiêm. “Tôi cho rằng việc này kéo dài thời gian qua có phần do hình thức xử lý chưa nghiêm. Cần kiên quyết đuổi việc tài xế xe buýt khi có hành vi xé vé khống. Đồng thời cần xem xét lại quy trình, công đoạn kiểm soát việc hỗ trợ giá xe buýt” - ông Sen nói./.Xem tin gốc tại đây: http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Chinh-tri-Xa-hoi/Chinh-tri-Xa-hoi/175771,Xe-buyt-khach-ao-tro-gia-that.ttm