Ngày 11/7 tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam và tập đoàn bán lẻ Makro (Makro) hàng đầu của Séc tổ chức Ngày Trái Cây Việt Nam nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản của Việt Nam và tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm này trong tương lai.
Việt Nam được biết đến như là một đất nước có nhiều sản phẩm hoa quả vùng nhiệt đới như vải, nhãn, xoài, chuối, đu đủ, thanh long, chôm chôm, bưởi.... và nhiều trong số những sản phẩm này đã được xuất khẩu ra nước ngoài, được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhưng có một thực tế những sản phẩm này vẫn còn chưa xuất hiện trên các kệ hàng tại hệ thống các siêu thị lớn nhỏ tại Séc, mà thay vào đó những sản phẩm tương tự đa phần nhập từ các nước trong khu vực hay châu Mỹ có mẫu mã không đẹp và chất lượng có phần kém hơn.
Chính vì vậy Ngày Trái Cây Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên tại Séc với mong muốn giới thiệu các sản phẩm nông sản của Việt Nam tới người dân Séc, và xa hơn muốn thâm nhập thị trường Séc và các nước trong Liên minh châu Âu.
Tại sự kiện được tổ chức tại đại siêu thị Makro, người tiêu dùng Séc có cơ hội được xem, nếm và mua 19 loại trái cây khác nhau đại diện cho các miền của Việt Nam được trưng bày trong một không gian thuần Việt. Rất nhiều trong số họ lần đầu tiên được biết tới vải, nhãn, thanh long tím hay mít của Việt Nam, thậm chí nhiều người ngạc nhiên khi nhận xét một số trái cây của Việt Nam ngon hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu và bày bán trong siêu thị.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn nhấn mạnh trái cây VN có nhiều cơ hội vào thị trường Séc. |
Sau khi nếm một số loại quả của Việt Nam, bà Petra Nemcova, một người nội trợ Séc cho biết: “Tôi không nghĩ là Việt Nam có nhiều trái cây ngon đến như vậy. Tôi đã từng ăn một số trái cây nhập khẩu nhưng không ngon bằng của các bạn. Tôi nghĩ các sản phẩm Việt Nam nên được bày bán thường xuyên hơn cho người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn không chỉ tại hệ thống siêu thị Makro mà còn tại các siêu thị khác.”
Tại sự kiện, các đại diện thương mại của Việt Nam và Séc đều chia sẻ quan điểm nông sản Việt Nam nói chung và các sản phẩm trái cây Việt Nam nói riêng có nhiều cơ hội tiến sâu vào thị trường Séc. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, tin rằng trái cây Việt Nam sẽ có chỗ đứng tại thị trường Séc bởi sự khác biệt của sản phẩm và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Bà Thoa nói “Qua ngày hội hôm nay thì tôi đánh giá thị trường Séc nói riêng và thị trường Trung-Đông Âu nói chung thì rất có tiềm năng cho trái cây Việt Nam. Thứ nhất sản phẩm Việt Nam khác biệt so với sản phẩm khu vực này do khí hậu thổ nhưỡng của Việt Nam nên có những loại trái cây khác. Hai nữa là người Trung-Đông Âu có vẻ thích đồ ngọt, nên những quả có vị ngọt thì tôi đánh giá tiềm năng vào đây rất lớn”.
Còn ông Jan Jak, Phó tổng giám đốc phụ trách thu mua của Tập đoàn Makro tại Séc và Slovakia, thì ví von thị hiếu tiêu dùng trái cây Việt Nam của người Séc cũng giống như cách họ thích đồ ăn Việt Nam tại Séc. Vài năm trước nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam còn lạ lẫm với người dân Séc, còn bây giờ văn hóa ẩm thực của người Việt đã có chỗ đứng nhất định tại đây.
Ông Jan Jak, Phó TGD Tập đoàn Makro cho rằng, người tiêu dùng Séc sẽ dần quen sản phẩm trái cây VN. |
Ông Jak nói: “Nếu nhìn vào các loại quả các bạn trình bày ở đây, tôi có thể thấy tiềm năng của các sản phẩm này là rất lớn. Có thể trước đây người Séc chưa biết các sản phẩm này, nhưng bây giờ họ bắt đầu làm quen với chúng. Họ có thể chưa biết cách ăn hay chế biến, nhưng tôi tin là sau năm năm nữa, nhờ thông tin quảng bá họ sẽ biết, thích và mua chúng.”
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng các sản phẩm trái cây của Việt Nam cũng gặp khó khăn trên đường tìm đường vào thị trường Séc.
Anh Lê Duy Phong, một doanh nghiệp người Việt Nam chuyên nhập khẩu trái cây Việt Nam sang tiêu thụ tại Séc 15 năm qua, chia sẻ vì là hàng tươi sống, nhiều trong số các sản phẩm này không thể giữ lâu, buộc phải vận chuyển bằng đường hàng không. Chi phí vận chuyển hàng không cho mỗi một kilo hàng dao động từ 3.8 đến 4 USD đã trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm tăng cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, gây tâm lý e ngại cho người tiêu dùng.
Người tiêu dùng Séc thưởng thức ẩm thực Việt. |
Mặt khác, theo ông Trần Hiệp Thương, phụ trách Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, trái cây là mặt hàng dễ hỏng nên sản phẩm cần phải được thanh trùng và bảo quản theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông cho rằng nếu cả hai vấn đề công nghệ bảo quản và giá thành được giải quyết, trái cây của Việt Nam chắc chắn sẽ có chỗ đứng tại thị trường Séc và đi xa hơn sang các nước châu Âu khác.
“Theo tôi hàng rau quả Việt Nam đã xuất hiện trên nhiều nơi trên thế giới, kể cả các nước khó tính như Úc, Mỹ, Nhật thì việc vào thị trường châu Âu không phải là điều gì quá khó. Có lẽ trở ngại lớn nhất là bảo quản và chi phí giá thành hơi cao. Điều này cần phải có sự hợp tác giữa các nhà nhập khẩu, các nhà phân phối, lẫn các nhà cung cấp phương tiện giao thông vận tải để đưa hàng hóa Việt Nam sang Séc dễ dàng hơn.”
Theo Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn, Ngày Trái Cây Việt Nam tại Séc mới chỉ là bước khởi đầu của kế hoạch đưa trái cây Việt Nam vào thị trường của hơn 10 triệu người tiêu dùng không quá khó tính này. Việc nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng sẽ giúp các nhà xuất-nhập khẩu, phân phối điều chỉnh chiến lược kinh doanh với hy vọng một ngày không xa, các sản phẩm trái cây có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị tại Séc nói riêng, và các nước trong Liên minh châu Âu nói chung./.