Cuối giờ chiều nay (29/10), Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam – ASOCIO 2014 (Vietnam - ASOCIO ICT Summit 2014) đã họp báo tổng kết và ra thông điệp khẳng định: CNTT đã xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Với sự tham dự của 700 đại biểu là lãnh đạo các hiệp hội, các các tập đoàn CNTT hàng đầu của gần 20 nền kinh tế thuộc châu Á, châu Đại Dương, diễn đàn diễn ra trong 4 ngày, từ 28-31/10/2014 tại Hà Nội và Đà Nẵng với chủ đề “CNTT - phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp”.
Trong ngày hôm nay, các đại biểu đã tham dự 8 cuộc tọa đàm chuyên đề tập trung vào 3 nội dung: công nghệ thông tin – tái cấu trúc nông nghiệp, công nghệ thông tin – phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công và SMAC – nền tảng công nghệ phát triển thông minh.
Tại phiên khai mạc sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Trong bối cảnh mới, Việt Nam tiếp tục xác định: CNTT là yếu tố then chốt tạo lập phương thức phát triển mới; là động lực quan trọng của sự phát triển, hiện đại hóa đất nước, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế thành công; là con đường nhanh nhất để Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình, bước vào kinh tế tri thức, xã hội thông tin, tiến lên cùng thời đại”.
Theo ông Trương Gia Bình- Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cũng cho rằng: Tầm nhìn CNTT là phương thức phát triển mới, là cơ hội và nền tảng thiết yếu cho mỗi quốc gia phát triển, là con đường nhanh nhất vươn đến sự thịnh vượng.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Việt Nam có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam hiện chưa gắn nhiều với công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin”.
Phó Thủ tướng hy vọng cùng với đẩy mạnh cải cách thể chế, những thành tựu về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp được chia sẻ tại diễn đàn sẽ là những bài học quý để Việt Nam vận dụng nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch và bền vững trong bối cảnh phải đương đầu với các thách thức mới.
Tại diễn đàn những câu chuyện thực tiễn và kinh nghiệm từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Nhật Bản, Israel, cùng với đó là góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý chuyên ngành về việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm, sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống thông tin và phân phối sản phẩm nông nghiệp… đã được các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn.
Theo các chuyên gia, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp đã đến thời điểm chín muồi. Tuy nhiên, để có thể thành công cần phải hội đủ 5 yếu tố: người dân được truy cập internet; hạ tầng cáp quang; hệ thống thông tin cho nông nghiệp; đào tạo cho người dân và các phần mềm ứng dụng cho nông nghiệp.
Đại diện Tập đoàn ORCA đến từ Israel cho biết, CNTT đang áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp tại quốc gia này, nhờ đó mà hiện nay 1 lao động nông nghiệp có thể cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho trên 100 người, trong khi năm 1955 chỉ đảm bảo cho 15 người.
Khách mời Danh dự của Diễn đàn, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama cho biết, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản năm nay đã triển khai sáng kiến “Chiến lược chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”, đưa công nghệ Nhật Bản ra nước ngoài. Việt Nam và Nhật Bản là đối tác chiến lược của nhau, Việt Nam có thể tiếp nhận các ứng dụng CNTT tiên tiến của Nhật.
Nhân dịp ASOCIO ICT Summit tại Hà Nội, Tập đoàn Fujitsu Nhật Bản và Công ty cổ phần FPT đã công bố hợp tác triển khai dịch vụ Akisai Cloud - Dịch vụ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây - của Fujitsu tại Việt Nam. Để thử nghiệm, Fujitsu sẽ thiết lập một nhà kính tại Hà Nội và thí điểm ứng dụng Akisai trên một loại cây trồng phù hợp.
Tại cuộc tọa đàm chuyên đề CNTT - Phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công, các đại biểu đãxoay quanh nhiều vấn đề nóng và xu thế trong ứng dụng CNTT vào dịch vụ công.
Các diễn giả quốc tế mang đến những thông tin đa chiều về việc ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm triển khai từ các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản,..
Các tham luận cũng đã nêu nhưng ví dụ sống động về CNTT giúp vận hành các bệnh viện thông minh, hệ thống thẻ khám bệnh thông minh, các ứng dụng CNTT cho hệ thống chăm sóc y tế tại gia đình, hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh,...
Diễn đàn cũng chỉ ra SMAC - nền tảng công nghệ phát triển thông minh. Các diễn giảcho rằng đây là nền tảng cho phát triển các mô hình kinh doanh mới.
Theo dự báo của IDC và Gartner, dự kiến từ năm 2015 - 2016, doanh thu từ SMAC sẽ đạt tới khoảng 1.200 tỷ USD. Trong đó, mảng Social có 2,18 tỷ người dùng, đạt 34 tỷ USD doanh thu; mảng Mobility tăng số lượng người sử dụng thiết bị di động lên 1,3 tỷ, với 2 tỷ thiết bị kết nối, đạt 735 tỷ USD doanh thu; mảng Big Data cần thêm 4,4 triệu kỹ sư với tổng doanh thu 232 tỷ USD và mảng Cloud sẽ đạt 207 tỷ USD doanh thu.
Xoay quanh nền tảng công nghệ này, vấn đề đặt ra trong tọa đàm là nhận diện các cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp trẻ ASEAN nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, khi phải năng động và sáng tạo hơn để tránh tụt hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng tốt…
Nhân dịp này, VINASA cũng tổ chức trao giấy chứng nhận và giới thiệu với cộng đồng quốc tế 30 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014(Vietnam’s 30 Leading ICT Companies 2014). Đây là các doanh nghiệp tiêu biểu trong 2 lĩnh vực là Phần mềm đóng gói và BPO/outscourcing/offstore.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam mở rộng thị trường, vươn ra quốc tế, xác lập vị trí của mình và của Việt Nam trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của ngành CNTT thế giới.
Trong 30 doanh nghiệp có nhiều tên tuổi quen thuộc của ngành CNTT Việt Nam, gồm cả công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài, như: FPT Software, TMA Solutions, Harvey Nash Việt Nam, MK Smart, DiGi-Texx Việt Nam, CMC Software Solution, Tinh Vân,...
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu các doanh nghiệp được chọn lựa ra thế giới. VINASA sẽ thông qua hệ thống các tổ chức đối tác quốc tế song phương, đa phương của mình, trong đó có Liên minh Dịch vụ CNTT Thế giới (WITSA), Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á – châu Đại dương (ASOCIO),... tiến hành giới thiệu 30 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam đến các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức được lựa chọn tại gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tạo cơ hội và hỗ trợ kết nối, hợp tác, tìm kiếm các đối tác, khách hàng tiềm năng./.
Thông điệp củaDiễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam – ASOCIO 2014
CNTT đã xâm nhập và lan tỏa sâu rộng đến mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, tạo giá trị gia tăng mới cho từng ngành cũng như cho toàn bộ nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Công nghệ thông tin là không thể thiếu, là động lực của động lực. Và với sự hội tụ của mạng xã hội, di động cá nhân, những ứng dụng phân tích và điện toán đám mây chắc chắn sẽ tạo ra nền tảng phát triển mới mà ở đó mọi giá trị cá nhân sẽ được phát huy tối đa. Dựa trên nền tảng CNTT, nông nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế xanh và thông minh, mỗi hộ nông dân đều có cơ hội trở thành một doanh nghiệp số có năng suất và giá trị vượt trội, cùng với chất lượng cuộc sống cao hơn.
CNTT sẽ mở ra một sự liên kết không giới hạn về thời gian, không gian, tạo cơ hội cho tất cả mọi cá nhân trong đó đặc biệt là những người vốn từ trước đến nay chịu nhiều thiệt thòi như những người nông dân, có thể vươn lên, có thể được chia sẻ thành tựu phát triển của xã hội.
Những nước đang phát triển rất cần sự hợp tác, liên kết, rất cần công nghệ từ các nước phát triển nhưng ngược lại những nước đã phát triển cũng cần đến nguồn nhân lực, tài nguyên và thị trường của những nước đang phát triển. Vì vậy, các quốc gia hãy bắt tay nhau, các ngành nghề hãy sát cánh cùng nhau, các doanh nghiệp trong khu vực hãy hợp tác cùng nhau để cùng phát triển, xây dựng một khu vực châu Á- châu Đại Dương thịnh vượng./.