Về lại các xã có đông đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh (1992 - 2022), chúng tôi ấn tượng trước những đổi thay ở các làng Chăm với đường làng, ngõ xóm khang trang, cơ sở hạ tầng được đầu tư khá hoàn thiện… Đáng nói là thu nhập người Chăm ngày một tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, diện mạo nông thôn vùng Chăm ngày càng khởi sắc.
Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng
3 thập niên trước, khi nói đến thôn Tuy Tịnh 2, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bỉnh Thuận, nhiều người thường hình dung một vùng đất khô cằn, canh tác khó khăn do thiếu nước, cuộc sống của bà con người Chăm nơi đây thiếu thốn trăm bề.
Giờ đây, nhờ chủ động được nguồn nước, bà con Chăm đã thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những đồng lúa bạt ngàn mỗi năm 3 vụ; những vườn xoài, thanh long… luôn trĩu quả đang giúp người dân ở đây thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Anh Mai Văn Bình, trưởng thôn Tuy Tịnh 2 cho biết, cả thôn có hơn 350 hộ, hiện chỉ còn 5 hộ nghèo. "30 năm trước, đời sống kinh tế ở đây rất thấp, bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do khó khăn về nguồn nước. Đến năm 2000, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hồ Lòng Sông, đời sống kinh tế của bà con bắt đầu khấm khá lên. Nhờ chủ động được nguồn nước, bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng".
Gia đình ông Thông Tân ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, trước đây 8 ha đất canh tác chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Về sau, ông chuyển sang trồng cao su trên phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Đến nay, cây cao su đã mang lại thu nhập cho gia đình ông khá cao, mỗi lần cạo mủ thu được gần 2 triệu đồng, tính ra một năm hơn 100 triệu đồng. Căn nhà mới vừa được gia đình ông Thông Tân xây dựng với số tiền gần 2 tỷ đồng.
"Trước đây gia đình tôi làm ruộng vất vả lắm, bây giờ khu nào thuận lợi bà con mới làm lúa, nếu không thì chuyển sang trồng cao su. Bà con người Kinh ở đây trồng nhiều cao su, tôi học hỏi kinh nghiệm rồi làm theo. Bây giờ hộ nào trồng cao su đều có cuộc sống ổn định" - ông Thông Tân cho biết.
Anh Đồng Văn Long – Trưởng khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh chia sẻ: "Với sự quan tâm của chính quyền, bà con được hỗ trợ vay vốn để làm ăn, từ đó một số hộ thoát nghèo bền vững và bây giờ tỷ lệ hộ nghèo còn 30%, còn lại 70% là số hộ khá giả".
Rời khu phố Chăm, chúng tôi đến thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Sau nhiều năm trở lại, men theo trục đường chính quanh thôn sẽ cảm nhận được rõ rét sự đổi thay của làng Chăm qua hình ảnh những ngôi nhà mới khang trang, cùng gương mặt rạng rỡ của người dân sau những vụ mùa bội thu.
Ông Khê Thanh Mai ở thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc phấn khởi cho biết: "Bà con Chăm ở đây rất vui khi được Nhà nước quan tâm. Lúc họp thôn ai cũng nói đến việc Nhà nước đầu tư xây dựng cầu, làm đường bê tông. Nhờ đó diện mạo thôn, làng ngày càng khởi sắc, đường làng ngõ xóm xanh, sạch. Con đường này không chỉ tạo thuận lợi cho bà con lưu thông mà việc vận chuyển nông sản và thông thương hàng hoá cũng tiện lợi hơn".
Tiếp tục tạo đà phát triển
Đồng bào Chăm Bình Thuận hiện có hơn 9.041 hộ với trên 40.000 khẩu, sống tập trung 4 xã: Phú Lạc (Tuy Phong), Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hoà (Bắc Bình). Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng đồng bào Chăm với 133 công trình, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã cấp 1.567 ha đất sản xuất cho 1.439 hộ đồng bào Chăm, nâng tổng diện tích đất sản xuất lên hơn 5.300 ha; tạo điều kiện cho 1.423 hộ vay 9,5 tỷ đồng mua gần 1.900 con bò sinh sản. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ trên 25% (năm 2004) xuống còn hơn 10% (năm 2016 – theo chuẩn nghèo đa chiều). Có 3/4 xã thuần Chăm đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết, không chỉ phát triển về kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục vùng đồng bào Chăm đang khởi sắc.
"Tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ban ngành, các địa phương có đông đồng bào Chăm triển khai thực hiện các chủ trương chính sách. Thông qua đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm tiếp tục có bước phát triển. Các công trình hạ tầng phục vụ cho kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Tỉnh đã thực hiện 8 dự án phát triển kinh tế xã hội và 3 dự án thuộc chương trình 135 và 5 dự án tái định cư với quy mô lớn" - ông Tân chia sẻ.
Cùng với những thành quả đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, bà con vùng đồng bào Chăm nơi đây đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu, góp phần cùng với các dân tộc anh em chung tay xây dựng quê hương ngày thêm đẹp giàu./.