Theo công bố mới đây của Viện nghiên cứu hải sản, tổng trữ lượng hải sản cả nước chỉ còn 4,3 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với cách đây 10 năm. Trữ lượng hải sản của nước ta chỉ cho phép khai thác 1,7 triệu tấn một năm nhưng hiện nay mỗi năm ngư dân khai thác đến 2,5 triệu tấn. Hàng triệu lao động sống dựa vào nghề biển sẽ gặp khó khăn nếu như không có giải pháp chung tay bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thả tôm sú tại cửa biển Sa Cần. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi) |
Khai thác thủy sản thân thiện với môi trường là cụm từ mà nhiều ngư dân tỉnh Quảng Ngãi thường nhắc đến trong thời gian gần đây. Tình trạng đánh bắt thủy sản theo kiểu hủy diệt bằng thuốc nổ, xung điện …đã bị ngăn cấm. Nhiều phương pháp, kỹ thuật đánh bắt mới góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản được áp dụng. Một trong những cách làm mới đó là sử dụng các loại lưới mắt lớn thay cho những loại lưới mắt nhỏ như trước đây. Với cách đánh bắt cá này, ngư dân đỡ vất vả, không tốn công để phân loại thủy sản. Hơn nữa, mắt lưới thưa sẽ làm giảm lực cản của nước nên tốc độ di chuyền của tàu cá sẽ nhanh hơn, đánh bắt được nhiều hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu và quan trọng là cá nhỏ sẽ không bị mắc lưới.
Ngư dân Nguyễn Văn Ba, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bật mí cách làm mới: “Tụi tôi bây giờ không đánh bắt như kiểu hồi trước được. Nếu hồi kia mình đánh nhỏ lưới, mảnh lưới dày bây giờ mình đánh lưới thưa”.
Bảo vệ môi trường ven biển, các hệ sinh thái thủy sinh như san hô, rong biển, rừng ngập mặn cũng đã được các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi chú trọng. Ngoài hình thành các Tổ tự quản bảo vệ môi trường sinh thái ven biển, chính quyền các địa phương ven biển còn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Ông Nguyễn Văn Hai, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết: “Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản ven bờ cho bà con có thể khai thác được lâu dài thì về góc độ địa phương cũng đã tuyên truyền vận động cho ngư dân là trong quá trình khai thác thủy sản không nên dùng thuốc nổ để hủy diệt hàng loạt các loài cá. Thứ hai nữa là không được khai thác san hô và rong mơ khi chưa có sự cho phép của cấp thẩm quyền”.
Nhận thức của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng được nâng cao. Việc thành lập các khu bảo tồn biển, cấm đánh bắt thủy sản ở một số vùng biển cũng được người dân ủng hộ. Mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi đều thực hiện việc tái tạo nguồn lợi thủy sản bằng cách thả các loài giống thủy sản xuống sông, biển.
Ông Phùng Đình Toàn, Chi cục Phó Chi cục thủy sản Quảng Ngãi cho hay: Tỉnh đã thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ngư dân trong khai thác hải sản, đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát nguồn lợi thủy sản toàn vùng để có biện pháp bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
“Chúng tôi tổ chức khảo sát điều tra những khu vực nào là bãi đẻ, khu vực nào là nơi trú ngụ của các loại thủy sản và mùa nào là loài thủy sản nào sinh trưởng để chúng tôi tham mưu trình cấp có thẩm quyền quy định, khuyến cáo ngư dân chỉ nên khai thác mùa nào và mùa nào và đối tượng nào không nên khai thác,” ông Toàn nói.
Chuyện thay đổi nhận thức, phương thức đánh bắt thủy sản thân thiện với môi trường là tiền đề để người dân Quảng Ngãi bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên biển, hải đảo một cách bền vững./.Bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Đừng để quá muộn!