Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC mới đây, Marc Faber (tác giả Nguyệt san đầu tư tài chính Gloom Boom and Doom Report), cho biết “TTCK Mỹ đang được định giá cao hơn so với TTCK các quốc gia khác. Căn cứ vào tỉ số P/E điều chỉnh theo chu kỳ kinh tế (CAPE), cổ phiếu Mỹ đem lại rất ít lợi nhuận cho nhà đầu tư trong vòng 7-10 năm tới. Tôi cho rằng TTCK Việt Nam (tăng 22% trong năm 2013) sẽ tiếp tục đà tăng (trong tương lai)”.
Tăng trưởng GDP thực trong 2013 ước đạt 5,42% so với mức 5,25% của năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm 2013 ở mức 5,9%, cao hơn so với 4,8% của năm 2012.
Trong năm 2013, xuất khẩu tăng 15% lên 123 tỷ USD do Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không có gì ngạc nhiên do Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ lớn với độ tuổi trung bình là 28,5 và tỷ lệ biết chữ ở mức 93%. Một trong những lợi thế của Việt Nam là chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc. Điều này khiến cho nhiều công ty dự tính xây dựng nhà máy ở Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất với tựa đề "2014 là năm của xuất khẩu", HSBC cho rằng nhu cầu được cải thiện tại các nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2014. Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh lên 21,6 tỷ USD trong năm 2013.
Nhà máy trị giá 2 tỷ USD của Samsung tại Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong 2/2014. Vào năm 2015, 40% điện thoại di động của Samsung sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
Theo chỉ số Deloitte Manufacturing Competitiveness Index 2013, Việt Nam được đánh giá cao so với Thái Lan, Indonesia và Philippines, xét về mức độ hấp dẫn đầu tư. Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ tăng lên trong 5 năm tới so với các quốc gia khác trong khu vực.
Tăng trưởng tín dụng đang ổn định trở lại và dự kiến sẽ đạt mức 9-10% trong năm 2013, cao hơn so với mức 8,8% của năm 2012. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng vẫn phải đối mặt với vấn đề nợ xấu. Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VAMC) được thành lập vào 7/2013 để giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. VAMC ước tính đã mua tổng cộng 1,8 tỷ USD nợ xấu trong năm 2013, và dự kiến sẽ tăng mức mua nợ xấu lên 3,3 – 4,7 tỷ USD trong năm 2014. Việc VAMC tăng cường mua nợ xấu sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Hiện cổ phiếu của nhiều công ty Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao. Trong tổng số 302 công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn VN Index, chỉ có 40 công ty có giá trị vốn hóa thị trường hơn 100 triệu USD. Điều này cho thấy phần lớn nhà đầu tư chỉ tập trung vào các công ty có quy mô lớn, do vậy tiềm năng tăng trưởng của các công ty vừa và nhỏ vẫn còn nhiều (khoảng 262 công ty có giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn 100 triệu USD).
Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ổn định. Các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực khôi phục niềm tin của thị trường và đẩy mạnh cải cách. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ được sở hữu hơn 20% cổ phần của các ngân hàng (trước đây là 15%). Việt Nam hiện đang soạn thảo dự luật nâng giới hạn sở hữu nước ngoài của một số doanh nghiệp niêm yết từ 49% lên 60%.
Ngoài ra còn một số yếu tố tích cực thúc đẩy tăng trưởng TTCK Việt Nam như: điều kiện nhân khẩu học thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, nhiều cổ phiếu bị định giá thấp./.