Nhằm tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các kết quả triển khai hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng của ngành Công Thương, sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Vòng chung kết cuộc thi "Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020".

Cuộc thi được tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực đóng góp của các Nhóm cải tiến năng suất chất lượng, thúc đẩy các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp, áp dụng các giải pháp cải tiến góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành Công Thương.

Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, một trong những hướng ưu tiên trọng tâm của Bộ Công Thương là hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng thông qua các hoạt động của dự án.

“Không dừng lại ở những mô hình điểm, không chỉ dừng lại ở các hiệu quả về mặt nâng cao năng suất, chất lượng, dự án đã góp phần nâng cao năng lực tự thực hiện các hoạt động cải tiến tại doanh nghiệp. Qua đó đã gắn kết, tác động lan tỏa tích cực tới yêu cầu và triển khai đổi mới công nghệ, thiết bị tại doanh nghiệp, từ đó góp phần giúp các doanh nghiệp chủ động phát triển”, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.

Cuộc thi “Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020” lần đầu tiên được tổ chức, với quy mô lớn trên toàn quốc là một trong những hoạt động truyền thông, thuộc dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện.

Dự án được triển khai trong giai đoạn 2012-2020 với 5 nhiệm vụ chính: Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Với 2 vòng chấm, vòng sơ khảo lựa chọn chấm điểm trên hồ sơ của 36 Nhóm cải tiến năng suất chất lượng, đã được Ban tổ chức chấm điểm dựa trên hồ sơ dự thi vào cuối tháng 11/2020.

Hội đồng Giám khảo và Ban kỹ thuật đã chấm trực tiếp trên các Báo cáo dự án cải tiến năng suất chất lượng của các Nhóm cải tiến gửi về. Kết quả vòng sơ khảo đã chọn ra 12 Nhóm cải tiến năng suất chất lượng có số điểm cao nhất vào vòng chung kết.

Tại vòng chung kết, mỗi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng có 1 phút giới thiệu về nhóm mình qua phần trình chiếu video clip. Sau đó, các Nhóm trình bày trực tiếp, mô tả về cách thức triển khai và hiệu quả hoạt động của dự án. Cuối cùng, các Nhóm sẽ trả lời các câu hỏi của Hội đồng giám khải và Hội đồng Giám khảo chấm điểm trực tiếp tại vòng thi. 

Theo đánh giá của các chuyên gia năng suất chất lượng, cuộc thi là cơ hội để các Nhóm cải tiến năng suất chất lượng nói riêng, các DN nói chung trình bày các giải pháp và kết quả của quá trình thực hiện dự án cải tiến năng suất chất lượng tại DN. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, thúc đẩy tuyên truyền, nhân rộng việc áp dụng giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng tại các ngành và DN ngành Công Thương trong giai đoạn tiếp theo./.

12 nhóm vào Chung kết cuộc thi:

- Tổng Công ty May 10: Nhóm Nghiên cứu - Cải tiến - Tổ chức sản xuất: Bộ giáo án đào tạo phương pháp may cơ bản bằng hình ảnh các chủng loại sản phẩm: Sơ mi, Veston, Quần âu.- Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam: Cải tiến năng suất chất lượng dây chuyền sơn và bao gói đóng hộp tủ sắt.- Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam-Nhóm Năng suất vượt trội-Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai: Cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình xe gắn máy tại Xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai.- Chi nhánh Tổng Công ty Khí Cà Mau-Công ty Khí Cà Mau: Giải pháp cung cấp nguồn khí Permeate Gas dư từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau sử dụng cho Nhà máy Đạm Cà Mau.- Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc: Nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5S từ văn phòng ra lưới điện.- Công ty Cổ phần Than Vàng Danh-VINACOMIN: Nghiên cứu, lắp đặt máy chế tạo bua mìn từ than bùn.- Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn: Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu của phân xưởng RFCC.- Tổng Công ty Giấy Việt Nam: Cải tiến kỹ thuật thiết kế chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy Xeo 1.- Công ty CP Cơ khí Phổ Yên -Nhóm cải tiến FMC: Cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng nhóm sản phẩm bi phốt.- Công ty CP TOMECO An Khang: Nâng cao nâng suất nhà máy chia sẻ bài học từ những cải tiến nhỏ.- Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Long Long Thành - Nhóm cải tiến Sức mạnh tri thức: Cải tiến chuyển đổi khuôn và màu cho máy ép phun nhựa thuỷ lực.- Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội: Triển khai Lưới điện thông minh-chuyển đổi số-cách mạng 4.0 tại EVNHANOI./.