Tuy nhiên, quy định này dường như “chỉ nằm trên giấy” khi các trụ sở, văn phòng công ty vẫn ngang nhiên tồn tại ở nhiều tòa chung cư. Đây rõ ràng là hành vi vi phạm quy định pháp luật, nhưng vì sao lại xảy ra phổ biến, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh?
Hành vi vi phạm pháp luật này vẫn tồn tại phổ biến, trong khi các cơ quan chức năng chưa có động tĩnh gì trong kiểm tra, xử lý |
Khu Trung Hòa – Nhân Chính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với hàng loạt nhà chung cư được coi là nơi lý tưởng để nhiều doanh nghiệp thuê làm văn phòng. Giá thuê chung cư tại khu vực này khoảng 100 nghìn đồng/m2/tháng. Như vậy, với một căn hộ khoảng 80m2, doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra 8 triệu đồng/ tháng, trong khi lại được làm việc tại trung tâm, có chỗ để xe máy và ô tô cho khách đến giao dịch. Tại tòa nhà chung cư tái định cư 17T10, đường Nguyễn Thị Định, gần như tầng nào cũng có vài căn hộ được gắn biển văn phòng công ty.
Ông Phạm Đình Thái, Phó trưởng Ban Quản trị tòa nhà 17T10 cho biết, thời điểm cao nhất có tới trên 40 văn phòng cho thuê, còn trung bình giao động từ 20-30. Tại các khu chung cư thường giá chi phí hợp lý, ở gần các trung tâm, tiện cho việc giao dịch. Khách đến giao dịch tiện có chỗ để xe. So với nếu thuê nhà mặt đất thì chi phí rất lớn mà không phải nhà nào cũng có chỗ để xe.
Lý giải cho việc vì sao lại chọn chung cư làm địa điểm đặt văn phòng kinh doanh trong khi pháp luật không cho phép, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng quản lý Công ty Liên Việt, hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, cho biết, chung cư có hợp lý so với thuê ở tòa nhà văn phòng, thời gian làm việc không hạn chế, có thể làm việc đến muộn thậm chí ở lại qua đêm. Còn các tòa nhà văn phòng thì không được như vậy, thứ 7, chủ nhật có khi chỉ mở điều hòa đến chiều, rồi cắt điện... Đặc biệt là những doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp thì rất cần nhiều thời gian.
Hành lang pháp lý được đưa ra từ năm 2008 đến nay đều không cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng căn hộ chung cư làm trụ sở công ty, văn phòng làm việc. Mới đây nhất, Điều 80 Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở (2014) quy định: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư trong sáu tháng, kể từ ngày 10/12/2015 (ngày có hiệu lực của nghị định này).
Tuy nhiên, sau ngày 10/6/2016, đa số doanh nghiệp vẫn không di chuyển địa điểm ra khỏi chung cư. Các cơ quan chức năng cũng không có “động tĩnh” gì trong việc xử lý, nên dần dần các doanh nghiệp lại “thích nghi”, phớt lờ lệnh cấm.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự nhận định, có tình trạng doanh nghiệp đặt trụ sở ở địa điểm khác nhưng không hoạt động, chỉ là ghi trên giấy phép đăng ký kinh doanh, còn nơi làm việc lại là chung cư với những cái tên như văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện… Để những hành vi vi phạm này tồn tại một cách phổ biến là do ý thức chấp hành của các doanh nghiệp không tốt, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và tinh thần, trách nhiệm chưa cao của chính những người dân đang sống ở chung cư.
Luật sư Phạm Hồng Bách, Chủ tịch Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự |
Thiết kế ban đầu của các chung cư chỉ phù hợp để ở chứ không phải để làm văn phòng. Thế nhưng, hiện chung cư không chỉ được sử dụng làm văn phòng, mà nhiều nơi còn dùng làm chỗ buôn bán hóa chất, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đặt kho hàng... Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống tại chung cư, gây quá tải về thang máy, điện, nước, mất an toàn, an ninh và tăng nguy cơ cháy nổ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định không cho phép sử dụng chung cư làm nơi kinh doanh là hợp lý, vì lợi ích của đa số người dân cũng như thực hiện mục tiêu tăng quỹ nhà phục vụ nhu cầu thiết yếu về chỗ ở cho người dân đô thị.
Quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của một bộ phận doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng lại có lợi ích về lâu dài, đảm bảo quyền lợi của đa số người dân. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng, thì các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật cũng như đạo đức kinh doanh. Đây cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp có thể làm ăn, kinh doanh một cách lâu dài, bền vững./.