Liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu và thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua, tại buổi họp báo thường kỳ Quý I/2021 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/3 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện việc giám sát hoạt động kinh doanh của các DN, xử lý các vi phạm về kinh doanh xăng dầu để đảm bảo thị trường xăng dầu hoạt động một cách ổn định.
Đề cập đến trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng đối với thị trường xăng dầu hiện nay, đặc biệt khi để xảy ra tình trạng buôn lậu, sản xuất xăng giả gây hoang mang trong dư luận xã hội, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm phạm pháp luật cũng như nhiều cơ quan quản lý.
Cụ thể, riêng mặt hàng xăng dầu có nhiều cơ quan cùng trách nhiệm quản lý như Công an, Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học Công nghệ... Liên quan đến vấn đề chất lượng, số lượng, pha chế xăng dầu, Bộ Khoa học công nghệ sẽ là đầu mối.
Ngoài ra, các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn và giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn của mình. Bộ Công Thương chỉ thực hiện các chức năng chính như phối hợp Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu, đồng thời đảm bảo nguồn cung, cuối cùng là đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu trên thị trường một cách ổn định.
“Với 3 chức năng này, về cơ bản các DN thi hành tốt các yêu cầu theo Nghị định 83”, ông Đông khẳng định và cho biết thêm, gian qua có một số DN có biểu hiện vi phạm Nghị định 83 như vi phạm về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, hay vấn đề về chất lượng, pha chế.
“Thời gian qua, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện giám sát hoạt động kinh doanh, xử lý các vi phạm về kinh doanh xăng dầu. Liên quan lĩnh vực chuyên ngành, chúng tôi thường xuyên có các đoàn kiểm tra chuyên ngành và thường xuyên thực hiện kiểm tra hậu kiểm. Với tất cả các hành vi vi phạm Nghị định 83 đều sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Nghị định 83 về quản lý và kinh doanh xăng dầu thời gian qua đã được Bộ Công Thương xem xét và sau nhiều lần chỉnh sửa, hiện nay đang trình và xin ý kiến Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 83.
Ban soạn thảo đã tổng hợp tất cả các bất cập của Nghị định 83 trong thời gian qua, hi vọng tới đây sẽ xử lý được các vấn đề còn vướng mắc như hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu, đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn, chất lượng xăng dầu.
Cũng theo ông Trần Duy Đông, trong Nghị định 83 cũ chưa đề cập đến vấn đề về xăng dầu hàng không, nhưng trong Nghị định 83 sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đưa lĩnh vực này vào để quản lý thị trường này chặt chẽ hơn.
“Chúng tôi luôn coi xăng dầu là mặt hàng trọng tâm và có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và xử lý triệt để, ngay lập tức những sự cố xảy ra liên quan đến thị trường này”, ông Đông nêu rõ.
Trước đó, hồi tháng 2/2021 vừa qua, cơ quan Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây sản xuất và buôn lậu xăng giả lớn chưa từng có với tang vật thu được là gần 2,7 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu cùng hơn 100 tỷ đồng tiền mặt.
So với đường dây sản xuất xăng giả của Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) bị khởi tố và bắt giữ năm 2019 thì đường dây buôn lậu và làm xăng giả này còn có quy mô mà mức độ lớn và nghiêm trọng hơn nhiều lần.
Theo cơ quan công an, hàng ngày, các đối tượng của đường dây đã cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng giả, kém chất lượng ra thị trường; tính từ tháng 8.2020 đến nay, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng./.