Chia tách thành lập năm 2004, với trên 120 km tiếp giáp với nước bạn Lào, huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đến nay vẫn thuộc danh sách các huyện nghèo nhất nước, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện  còn gần 30%.

Theo bà Bùi Thanh Thủy, Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế huyện chậm phát triển là do từ trước đến nay, người dân địa phương chưa biết coi sản phẩm nông nghiệp là hàng hóa; sản xuất, sinh hoạt chủ yếu tự cung tự cấp, chưa biết liên kết hướng ra thị trường.

Với mục tiêu mỗi năm giảm từ 4-5% tỷ lệ hộ nghèo, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện Sốp Cộp xác định sẽ tập trung “nói” và “làm” để chuyển đổi mạnh mẽ nhận thức của người dân, với khâu đột phá trọng yếu là phát triển nông - lâm nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh, từ đó tăng thu nhập cho người dân.

Giải pháp cụ thể là ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô đủ lớn, gắn với các chuỗi giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện; vận động nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện hình thức hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản của địa phương….

“Quá trình xây dựng văn kiện đại hội và xây dựng các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, chúng tôi đã làm việc với một số Tập đoàn, doanh nghiệp mời họ trực tiếp vào khảo sát tại huyện để đầu tư về mặt nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện. Sắp tới, chúng tôi sẽ làm với công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao về sản phẩm cây Dứa và cây Chanh leo; tới đây sẽ tiếp tục khảo sát thêm sản phẩm cây măng Bát Độ. Việc biến các sản phẩm này thành hàng hóa là việc cực kỳ đổi mới, đặt nền móng đầu tiên về việc ứng dụng công nghệ cao và coi nông nghiệp là sản phẩm hàng hóa để giúp bà con địa phương xóa đói giảm nghèo”, bà Bùi Thanh Thủy- Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp cho hay./.