Ở Lào Cai, câu chuyện Tổ hỗ trợ doanh nghiệp không hề mới, vì cách đây hơn 10 năm nó đã được thành lập. Tuy nhiên, lần này “bình cũ” được thêm “rượu mới” khi Tổ trưởng không phải lãnh đạo cấp Sở, ngành như trước kia, mà là Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời là Phó Bí thư Tỉnh ủy – ông Trịnh Xuân Trường (sinh năm 1977, mới nhậm chức không lâu).

Một điểm nữa cũng đáng lưu ý, đó là ngoại trừ 2 Tổ phó là 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì tất cả các thành viên còn lại đều là thủ trưởng của các ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Có thể thấy, những gì tinh túy nhất của bộ máy quản trị công trực thuộc chính quyền Lào Cai liên quan đến doanh nghiệp đều có mặt trong Tổ này.

Dù rằng Tổ mới thành lập, còn chưa đi vào hoạt động, nhưng trước hết phải ghi nhận tinh thần cầu thị và trách nhiệm đối với lĩnh vực điều hành kinh tế của lãnh đạo tỉnh Lào Cai.

Theo ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải Yến, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp phát sinh không ít vướng mắc, hy vọng Tổ hỗ trợ sẽ là kênh kết nối thường xuyên, trực tiếp với lãnh đạo để giải quyết kịp thời, bởi với doanh nghiệp, thời gian chính là tiền bạc và uy tín.

"Doanh nghiệp nào cũng mong muốn được tiếp cận với lãnh đạo tỉnh để chia sẻ, để kêu đúng người, từ đó đi đến giải quyết triệt để. Nếu được, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp mỗi tháng được tiếp xúc lãnh đạo 1 - 2 lần; vừa để chia sẻ, vừa để “trả bài” những vấn đề phản ánh trước đó" - ông Sơn chia sẻ.

Thực tế, Lào Cai đang có trên 5.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có khoảng 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động và hoạt động hiệu quả chưa tới 2.000 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, nguồn vốn còn khó khăn, nhất là vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI định hướng, bên cạnh khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; Lào Cai cũng khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp khi có đủ điều kiện; đồng thời tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Ngay đầu nhiệm kì, hàng loạt hoạt động của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (nay kiêm vai trò Tổ trưởng hỗ trợ doanh nghiệp), như: dự Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thanh niên; thăm, chúc tết 5 tập đoàn, đồng thời là nhà đầu tư chiến lược; trao giấy chứng nhận đăng kí đầu tư Dự án Trung tâm thương mại GO! Lào Cai; ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn T&T Group… đã minh chứng cho việc đưa Nghị quyết vào thực tế.

Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, sau Đại hội, bộ máy lãnh đạo của Lào Cai được kiện toàn với nhiều gương mặt trẻ; cộng thêm Tổ hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp ra đời, khiến cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi. Tất cả đều mong chờ những quyết sách mạnh mẽ hơn từ bộ máy chính quyền, nhất là trong cải cách hành chính, dù rằng có những điều rất khó thay đổi.

"Nếu vẫn chỉ là quản lý doanh nghiệp, với cơ chế “xin – cho” thì còn khó khăn, không phải do người đứng đầu mà là do các cán bộ chuyên quản, giúp việc. Để không còn khó khăn nữa cần chuyển đổi từ tư duy quản lý sang đồng hành, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp. Như vậy mới đi vào thực chất, đúng theo phương châm “doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển", ông Long thẳng thắn chỉ rõ.

Ông Phan Trung Bá, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cho hay, việc nâng lên một cấp về cơ cấu của Tổ hỗ trợ doanh nghiệp sẽ khắc phục được những hạn chế trước kia, bởi nó không còn “khoác áo” Tổ giúp việc, mà gắn trách nhiệm trực tiếp vào người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh; không chỉ vậy, các thành viên đều là thủ lĩnh ngành, địa phương cũng có quyền tự quyết rất lớn.

"Tổ đang xây dựng quy chế hoạt động, tới đây sau khi chờ hướng dẫn Luật Đầu tư ra (Chính phủ đang dự thảo Nghị định), cái đó cực kì quan trọng, từ đó sẽ chính thức ban hành quy chế, có phân công nhiệm vụ cho các thành viên, hoạt động thường kì hoặc đột xuất để có vấn đề gì sẽ tháo gỡ ngay" - ông Bá cho biết.

Một thước đo quan trọng đánh giá năng lực điều hành kinh tế của các tỉnh thành, đó là PCI. Trong nhiều năm, Lào Cai luôn đứng top cao của cả nước. Tuy nhiên, gần đây nhất là năm 2019, Lào Cai bất ngờ “tụt hạng” xuống đứng thứ 25, chỉ còn trong top khá. Và bên trong đó, một số chỉ số thành phần của PCI như chi phí thời gian, chi phí không chính thức, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp. Đây là những nhiệm vụ đòi hỏi Tổ hỗ trợ doanh nghiệp của Lào Cai phải vào cuộc để hướng đến kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng./.