Tình trạng hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống, gây nhiều thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thế nhưng đấu tranh chống hàng giả đang gặp nhiều khó khăn từ việc giám định hàng thật – hàng giả, cho đến phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng, cũng như xử lý tiêu hủy hàng giả.
Đối với mỗi người tiêu dùng, khi chọn mua hàng hóa, một trong những nỗi lo ngại là làm sao phân biệt được hàng thật hay hàng giả. Hầu như mặt hàng nào cũng có thể bị làm giả, từ thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, cho đến hàng điện tử, nguyên liệu sản xuất…không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Còn với các doanh nghiệp sản xuất chân chính, hàng giả hoành hành không chỉ làm giảm doanh thu lợi nhuận mà còn ảnh hưởng uy tín thương hiệu.
Hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, phức tạp. |
“Sản phẩm kém chất lượng có giá thấp hơn khoảng 2 triệu/tấn trong khi số lượng nhà sản xuất phân bón quá nhiều. Có doanh nghiệp không cần đầu tư nhà máy, chỉ cần đăng ký thương hiệu, thuê đơn vị gia công, đóng bao sản phẩm. Mô hình chi phí thấp, sẵn sàng bán thương hiệu chính là những khó khăn cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Tuấn cho biết.
Riêng lực lượng quản lý thị trường mỗi năm bắt giữ khoảng 13.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Con số này có thể ngày càng gia tăng vì các hình thức, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi. Trong khi đó, đấu tranh chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, riêng chuyện đi giám định hàng giả hay hàng thật cũng lắm gian nan. Thực tế có doanh nghiệp phát hiện có hàng giả nhãn hiệu, thương hiệu của mình, nhưng bên giám định sở hữu trí tuệ đưa ra một văn bản dài 5 trang, song kết luận…chỉ mang tính chất tham khảo. Quản lý thị trường lại không thể căn cứ vào đó để tịch thu hàng giả.
Theo bà Trịnh Thúy Hằng Giám đốc React Việt Nam – một tổ chức phi lợi nhuận đang hợp tác với các cơ quan chức quan để chống hàng giả, việc xử lý các vụ sản xuất hàng giả còn rất chậm trễ. Tổ chức này từng phát hiện một cơ sở có tên là Trần An sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm giả nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng quá trình giám định hàng thật – hàng giả lâu đến nỗi, đối tượng sản xuất hàng giả có đủ thời gian trốn khỏi địa bàn, không xử lý được.
Bà Trịnh Thúy Hằng cũng chỉ ra những bất cập trong quá trình phối hợp chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
“Việc xử lý chậm thì rất khó. Một bộ phận nhỏ cán bộ có thể tiếp tay, bao che cho hàng giả. Một số địa điểm bán hàng mà tổ chức này không được tiếp cận, cán bộ né tránh. Chúng tôi đề xuất kiểm tra, xử lý cửa hàng này thì lại không bắt mà lại bắt cửa hàng khác. Có nguồn tin cho là cửa hàng đó được bảo kê, bất khả xâm phạm. Thậm chí, có những địa phương nói là đã đủ chỉ tiêu rồi nên không kiểm tra nữa”, bà Hằng chỉ rõ.
Một khó khăn khác phải kể đến đó là liên quan đến điều tra, cung cấp chứng cứ về hàng giả. Bà Nguyễn Thị Phi Nga, Chủ tịch Tiểu ban quyền sở hữu trí tuệ hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, luật pháp quy định, doanh nghiệp muốn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý, bắt hàng giả thì phải cung cấp bằng chứng xác nhận là đó là giả. Tuy nhiên, hiện nay, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp không được phép điều tra nên sẽ khó có chứng cứ nên đây là một nghịch lý.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Phi Nga, vấn đề xử lý, tiêu hủy hàng giả vẫn chưa được minh bạch. “Cơ quan thực thi yêu cầu chủ sở hữu cung cấp quyền, mẫu hàng, sau khi giám định xong mẫu hàng giả thì mối liên hệ giữa hai bên cũng chấm dứt. Doanh nghiệp không được cung cấp thông tin tiếp theo, không biết việc thi hành quyết định như thế nào, không biết hàng có được tiêu hủy hay đang quay lại thị trường. Cần có cơ chế thông tin minh bạch về xử lý hàng giả”, bà Nga đề xuất.
Để chống hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ một cách hiệu quả, cơ quan thực thi cần chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp về các văn bản quy phạm pháp luật, minh bạch hoá các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình kiểm tra, xử lý khi cần thiết để rút ngắn thời gian và tăng cường hiệu quả.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần quá trình triển khai quyết liệt, làm rõ những thủ đoạn để ngăn chặn, tổ chức tốt việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi.
“Chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ không thể chỉ một lực lượng chức năng làm được. Cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng, thậm chí cần hợp tác quốc tế. Có ý kiến cho rằng chế tài hiện nay chưa đủ sức răn đe, cần nâng cao chế tài nhưng quan trọng vẫn là tính nghiêm minh của thực thi pháp luật, nâng cao đạo đức của người thực thi công vụ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Tới đây, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng, mẫu mã phong phú. Đây cũng là môi trường để hàng nhập lậu và hàng giả trà trộn, thâm nhập vào thị trường.
Bởi vậy, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng chế tài xử phạt vi phạm, nhất là một cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp, tổ chức chống hàng giả và cơ quan chức năng là vô cùng cần thiết để hàng giả không còn là nỗi ám ảnh./.