Sáng 20/6, tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa công trình thủy điện Lai Châu dưới sự chứng kiến của đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ Công Thương, chính quyền tỉnh Lai Châu và đông đảo đồng bào các dân tộc địa phương.
Đây là tiền đề quan trọng để đảm bảo tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015 và hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2016, sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt 1 năm.
Thân đập Nhà máy thủy điện Lai Châu. |
Lòng hồ nhà máy thủy điện Lai Châu trước khi đóng cống tích nước. |
Ông Phạm Hồng Phương, Trưởng Ban Quản lý dự án nhà máy thủy điện Sơn La – Lai Châu cho biết: Công trình thủy điện Lai Châu được tổ chức thi công xây dựng đáp ứng tiến độ yêu cầu theo sơ đồ tối thiểu đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa; công tác quản lý chất lượng công trình đã được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành, chất lượng công trình đạt yêu cầu thiết kế.
Cống dẫn dòng trước khi đóng tích nước. |
“Đóng cống dẫn dòng là tiền đề đảm bảo cho việc phát điện tổ máy số 1 vào cuối năm 2015, đồng thời cố gắng hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2016. Trước mắt còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt là công việc liên quan đến phần mua sắm, vận chuyển và lắp đặt thiết bị. Những việc này công trường đã có kế hoạch, Ban Quản lý quyết tâm đảm bảo việc kiểm soát tốt tiến độ, công tác lắp đặt thiết bị cũng như là phần công việc khác, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu”, ông Phạm Hồng Phương nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương, chính quyền tỉnh Lai Châu... nhấn lút đóng cống ngăn dòng Thủy điện Lai Châu. |
Cùng với mục tiêu là cung cấp điện cho hệ thống lưới điện Quốc gia; nhà máy thủy điện Lai Châu còn góp phần cùng với các nhà máy thủy điện trên hệ thống bậc thang thủy điện Sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên và vùng Tây Bắc.
Công trình có dung tích toàn bộ hồ chứa là 1.215 triệu m3, đập dâng bằng bê tông trọng lực chiều cao lớn nhất 137m. Vì vậy, để đạt được khâu tích nước hồ chứa, tỉnh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện hoàn thành công tác di dân tái định cư với trên 2.000 hộ dân khỏi khu vực lòng hồ và hoàn thành việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng lòng hồ và tái định cư.
Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, việc đóng cống dẫn dòng là khâu quan trọng của công trình thủy điện, việc hoàn thành thủy điện sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát huy tối đa lợi thế công tác di dân tái định cư trong việc sắp xếp dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền các địa phương quan tâm tới việc ổn định đời sống người dân nơi ở mới.
Cũng theo ông Quảng, công trình thủy điện Lai Châu hoàn thành sớm hơn 1 năm sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành điện, đặc biệt là đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu. Ngay từ những ngày đầu, tỉnh Lai Châu đã cùng với đồng bào các dân tộc, đặc biệt là chính quyền và nhân dân trong vùng ngập đã tổ chức quy hoạch, đền bù, bồi thường và đến nay đã hoàn thành bồi thường và di dân ra khỏi vùng lòng hồ.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cùng với chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc đẩy nhanh, hoàn thiện các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất như: Giao thông, thủy lợi và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, để làm sao bà con lên nơi ở mới từng bước ổn định và có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”, Ông Lê Trọng Quảng khẳng định.
Sự kiện đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa thủy điện Lai Châu ngày hôm nay tiếp tục khẳng định trình độ, tay nghề của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng thủy điện, sớm đưa công trình về đích trước 1 năm so với kế hoạch, làm lợi cho Nhà nước 5.000 tỷ đồng./.