Lý giải về việc điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36%, theo báo cáo của Chính phủ với các Đại biểu Quốc hội khóa XIV về công tác điều hành giá điện cho biết, ngày 29/1/2019, Bộ Công Thương có Báo cáo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh giá điện năm 2019 với các phương án tăng giá 7,31%; 8,36% và 9,26%.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ kết luận chủ trương điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 theo phương án tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và yêu cầu Bộ Công Thương lựa chọn thời điểm thích hợp trong khoảng từ ngày 15/3 đến ngày 30/3 để thực hiện việc điều chỉnh.
Sau đó, Bộ Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.864,44 đồng/kWh.
Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên mức 1.864,44 đồng/kWh. (ảnh minh họa) |
Theo Chính phủ, việc cân nhắc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30/3) là theo đề xuất của liên Bộ và Tổng cục Thống kê.
Theo quy luật, chỉ số CPI thường tăng cao vào tháng 2 (dịp nghỉ tết Âm lịch) và sẽ giảm mạnh trong tháng 3, nên sẽ không tác động nhiều đến chỉ số CPI bình quân cả năm và kỳ vọng kiềm chế được lạm phát.
Ngoài ra, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê, dự kiến điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân tăng bình quân 8,36% vào ngày 20/3 sẽ làm CPI cả năm tăng 0,3%.
Mặt khác, việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20/3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, dự kiến CPI của tháng 3/2019 và cả năm 2019 nhằm đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 – 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỷ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỷ đồng. Khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.
Nguyên nhân hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng tăng
Trước phản ánh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, công tác ghi chỉ số công tơ, công tác chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: một là sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; hai là tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; ba là kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.
EVN đã thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT đúng quy định trong công tác niêm yết công khai giá điện mới, công tác ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện các trường hợp gian lận, cố tình tính toán sai tiền điện đối với các khách hàng sử dụng điện.
Đối với Bộ Công thương, Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới tiếp tục phối hợp tích cực hơn nữa với Bộ Thông tin Truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt của người dân cùng với việc sớm công bố kết quả kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua để tránh lạm phát kỳ vọng.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, chỉ đạo EVN đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện ngày 20/3 đến kinh doanh, sản xuất của các khách hàng ngoài sinh hoạt và đời sống nhân dân.
Nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ. Tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và phát triển thị trường điện với mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ cạnh tranh vào năm 2021 góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập của đất nước.
“Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019, để công bố công khai kết quả kiểm tra” – báo cáo nêu rõ./.
Đề nghị Chính phủ báo cáo sự minh bạch trong cách tính giá điện
Chủ tịch Quốc hội: Xem lại điều hành giá điện đúng chưa để dân yên tâm