TPHCM có 43 trung tâm thương mại, 207 siêu thị và 240 chợ truyền thống. Đây không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là đầu mối trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước. Dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, nên đây cũng là thời điểm hàng gian, hàng giả, hàng lậu trà trộn vào các chợ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
TPHCM có các kênh bán lẻ hiện đại phủ rộng khắp thành phố, tuy nhiên hàng hóa tiêu thụ tại chợ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng cao. Vì vậy, tết này, lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra ở các chợ truyền thống. Những ngày qua, tại các khu chợ ở TPHCM, qua hệ thống loa phát thanh, ban quản lý chợ yêu cầu bà con tiểu thương chấp hành nghiêm quy định, không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng lậu; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát.
“Trước Tết Ban quản chợ lý đọc loa cho các tiểu thương nghe và phát giấy cam kết bán đúng hàng, các tiểu thương các ngành hàng cũng ký cam kết bán đúng hàng, đúng giá, không bán hàng kém chất lượng, hàng lậu đã cam kết thì phải làm đúng nếu không sẽ bị phạt. Dịp này, cán bộ trên quận cũng xuống chợ kiểm tra việc chấp hành quy định” - chị Hồ Thị Mai tiểu thương ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh nói.
Người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng nhái hết sức khó khăn. (Ảnh minh họa: KT) |
Ở các khu chợ truyền thống, Ban quản lý chợ đã yêu cầu tiểu thương ký cam kết không bán hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng và phải bán đúng giá. Cận Tết, hàng hóa về các chợ dồi dào, nhiều mặt hàng được niêm yết giá, nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, tại một số chợ vẫn có tình trạng tiểu thương trà trộn hàng không rõ nguồn gốc vào để kinh doanh.
Qua khảo sát của phóng viên VOV, một số gian hàng ở các chợ, nhiều bao khô gà, khô heo, khô bò… có ghi rõ nơi sản xuất và không có bao bì nhãn mác được để xen lẫn, nếu không chú ý thì người mua rất dễ nhầm lẫn. Các mặt hàng quần áo, túi xách, mắt kính giả nhiều thương hiệu nổi tiếng như Dior, Gucci, Chanel, LX… cũng được bày bán nhan nhản, với giá khá bèo, chỉ vài trăm ngàn đồng một món. Tại một gian hàng chợ Bình Tây, Quận 6, TPHCM - nơi đầu mối bán sỉ hàng hóa về các tỉnh miền Tây, trong vai một người đi mua hàng, phóng viên thử hỏi mua một túi xách hàng hiệu.
“PV: Anh ơi hàng này hiệu gì? Người bán: Túi này hiệu Chanel. PV: Hàng này bán giá bao nhiêu anh? Giá 250 ngàn đồng. PV: Hàng này có phải Chanel thật không anh? Hàng giả, chứ hàng thật mấy mươi triệu. PV: Hàng gắn hiệu như vậy là hàng giả thì sao anh? Tôi không biết, người ta gắn hiệu sao tôi bán vậy.”
Tình trạng bán hàng giả, hàng nhái như trên không phải cá biệt mà đang xảy ra khá phổ biến. Để đối phó, mỗi loại hàng người bán chỉ trưng bày 1 món và không để nhiều hàng tại quầy nên lực lượng chức năng rất khó xử lý.
Để phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại, các cơ quan chức năng của thành phố đã lên kế hoạch kiểm tra cao điểm trước Tết 3 tháng. Hơn 1 tháng nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hơn 2.500 trường hợp, phát hiện hơn 960 vụ vi phạm, đã xử lý gần 560 vụ với số tiền phạt gần 7 tỷ 600 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, hàng lậu… Chiếm số lượng nhiều nhất là các loại thực phẩm chế biến, nguyên liệu chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng như quần áo, túi xách, mắt kính, hàng công nghệ, điện-điện tử… Riêng Đội quản lý thị trường Quận 6 mới đây phát hiện hơn 1.000 kg nhãn nhục không rõ nguồn gốc, nghi là hàng lậu từ Trung Quốc, đã xử phạt 50 triệu đồng và cho tiêu hủy; đồng thời đang tạm giữ hơn 36 tấn đường không rõ nguồn gốc, không hóa đơn chứng từ, chờ chỉ đạo xử lý.
Theo cơ quan chức năng, số trường hợp vi phạm dịp tết này không tăng nhiều, do việc kiểm soát hàng nhập lập ở cửa khẩu, tuyến biên giới về TPHCM được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, thủ đoạn của các đối tượng đang ngày càng tinh vi hòng qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp vi phạm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… qua mạng Internet nên rất khó kiểm soát.
Trong khi đó, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng về các đầu mối thì không tập kết tại các kho như trước đây mà trung chuyển nhanh và chia nhỏ, phân tán về các cửa hàng nhỏ, lẻ, hoặc đưa về miền Tây để tránh bị phát hiện.
“Hàng lậu không tập trung mà xé lẻ về tiêu thụ các cửa hàng, kinh doanh ngoài phạm vi chợ Bình Tây, chúng tôi cũng nắm và kết hợp với các địa phương kiểm tra xử lý” - ông Nguyễn Văn Quang, quyền Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 6 cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, đối với các địa bàn giáp ranh, cần tăng cường đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với cảnh sát giao thông chốt chặn kiểm tra xử lý các phương tiện chở hàng lậu, hàng giả vào thành phố tiêu thụ. Còn trong thành phố thì tập kiểm tra các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và đặc biệt là các chợ truyền thống.
Với hàng chục ngàn cơ sở, đơn vị, cửa hàng sản sản xuất, kinh doanh tại TPHCM, công tác quản lý thị trường cho dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ sức chế tài vì lực lượng còn mỏng, khó lòng kiểm soát hết. Do đó, một trong những biện pháp quan trọng và hiệu quả là cần vận động người tiêu dùng nâng cao ý thức, nói không với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đồng thời tham gia tố giác các hành vi sản xuất, kinh doanh trái phái luật, gây nguy hại cho nền kinh tế, tránh thất thu ngân sách và nhà nhà được đón Tết an vui./.
Phát hiện, xử lý 3.007 vụ việc về hàng giả, hàng nhái
Nạn hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp đau đầu, người dân bức xúc