Gần 6 tháng sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra, châu Âu đang cảm nhận ngày một rõ tác động kinh tế của cuộc chiến, với nguy cơ suy thoái dường như khó tránh khỏi. 

Tác động của giá năng lượng tăng vọt, sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu nhân công và hạn hán đang ảnh hưởng tới hầu hết các quốc gia châu Âu. Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí The Economist (Anh) dự báo sẽ có một cuộc suy thoái ở châu Âu vào mùa đông 2022-2023 do thiếu hụt năng lượng và lạm phát gia tăng liên tục. Mùa đông 2023-2024 cũng sẽ đầy thách thức.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang nằm trong tâm bão khi liên tiếp các cú sốc từ khủng hoảng năng lượng, hạn hán và sự đổ vỡ trong thương mại toàn cầu đã ảnh hưởng đến các cơ sở sản xuất trong nước. Tăng trưởng kinh tế bị đình trệ trong quý 2 và có khả năng chuyển sang tiêu cực trong những tháng tới.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, Chính phủ Đức hồi tuần này đã thông báo sẽ áp thuế khí đốt đối với các hộ gia đình ngay từ tháng 10 tới và kéo dài đến tháng 4/2024.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, điều này là cần thiết để giúp cho thị trường năng lượng trong nước không bị sụp đổ: "Mức thuế này là cách công bằng nhất để chia sẻ các chi phí bổ sung mà những người sử dụng khí đốt đang phải đối mặt. Việc áp mức thuế mới không phải là một giải pháp tốt, nhưng cần thiết để tránh cho thị trường năng lượng của Đức sụp đổ và kéo theo đó là sự sụp đổ của phần lớn thị trường châu Âu”.

Tại Pháp, dù không chịu tác động quá lớn của cuộc khủng hoảng năng lượng do năng lượng hạt nhân hiện bảo đảm 70% nhu cầu điện, song nước này cũng phải đối mặt với một thách thức không hề nhỏ khác, đó là vấn đề tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân.

Tăng trưởng GDP của Pháp tăng 0,5% trong quý 2, thấp hơn so mặt bằng chung của các quốc gia châu Âu khác. Chính phủ đã đưa ra một gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 20 tỷ Euro, bao gồm cắt giảm thuế tại các trạm bơm xăng, đồng thời giới hạn mức tăng giá điện theo quy định ở mức 4%.

Trong khi đó, giống như mọi quốc gia châu Âu khác, Tây Ban Nha cũng không nằm ngoài tác động của cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, trong số 4 quốc gia lớn nhất khu vực đồng Euro, thì nước này lại có cơ hội tốt nhất để tránh suy thoái. Một trong những động lực chính là sự hồi sinh của ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Tây Ban Nha cũng ít phụ thuộc vào năng lượng của Nga hơn và trong những năm qua đã cho thấy sự chủ động trong đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Tăng trưởng GDP của nước này đã đạt 1,1% trong quý 2 và được dự báo sẽ chứng kiến mức tăng trưởng nhanh nhất trong số 4 nền kinh tế hàng đầu khu vực đồng Euro./.