Chanthaburi, Thái Lan nổi tiếng với vẻ đẹp mang sự giàu có và bí ẩn của nghề làm đá quý. Tận mắt chứng kiến các công đoạn từ khai thác, chế tác đến kinh doanh đá quý và trang sức đá quý mới vỡ ra rằng, để có thể hấp dẫn bạn bè thế giới bằng vẻ đẹp mang sự giàu có và bí ẩn đó là cả một hành trình lao động tỉ mỉ, đẫm mồ hôi biến lộc thiên nhiên ban tặng thành Chanthaburi lấp lánh.
“Đãi lộc” của thiên nhiên
Chúng tôi hành trình 250 km bằng xe ô tô, từ Thủ đô Bangkok đi về phía Đông Thái Lan, đến trung tâm tỉnh Chanthaburi trong tâm trạng háo hức. Được các bạn phóng viên thường trú của Đài Truyền hình Quốc gia Thái Lan tại Chanthaburi dẫn đường, đi thêm 20 km về phía Đông, chúng tôi được “mục sở thị” khu mỏ Khao Ploy Waen (1 trong số 10 điểm mỏ tại Chanthaburi) đang trong giờ khai thác. Khoảng 9h30, nắng rát tay. Khu mỏ có 2 chiếc máy xúc, mấy chiếc máy bơm và máy sàng đãi quặng đang hoạt động gây tiếng ồn khá lớn.
Tổ hợp máy lọc đãi đá quý |
Anh Vorapol Thamuang, nhân viên phụ trách quan hệ hợp tác của Hiệp hội Đá quý Chanthaburi có mặt tại khu mỏ, giới thiệu: Khu mỏ này chủ yếu là hoàng ngọc và sa-phia. Sau khi được cấp phép khai thác, sẽ tiến hành chặt cây, dọn cỏ lấy mặt bằng. Sau đó, dùng máy xúc đất đá chuyển vào máy sàng đãi, lọc bùn đất. Các quặng thô sàng theo dây chuyền để qua một máy lọc quặng tiếp theo. Tại đây, máy sẽ lọc đãi lấy quặng có chứa đá quý và đẩy vào một hộp bảo quản phía dưới gầm máy. Chỉ người có trách nhiệm, có quyền mới được mở hộp này ở thời điểm thích hợp rồi phân loại đá quý để chuyển đi các khu chế tác. Tất cả các công đoạn đều làm lộ thiên.
Sự tò mò của chúng tôi về những sắc màu và khối hình viên đá quý chưa được thỏa mãn tại khu mỏ này. Nhưng điều khiến chúng tôi chú ý là những người công nhân làm việc tại đây rất tập trung. Anh Vorapol Thamuang cho biết, khu mỏ Khao Ploy Waen có diện tích 1 ha, hằng ngày chỉ cần khoảng dưới 10 người thường xuyên làm việc điều khiển máy móc. Mỗi năm nghề khai thác mỏ đá quý tại đây đóng góp thuế cho nhà nước khoảng 3 triệu USD, là ngành có lợi ích kinh tế cao nhất của địa phương.
Anh Tỷ, một trong các công nhân điều khiển máy móc, đã làm việc 10 năm tại đây, có nước da sạm đen, lau vội mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt, cho biết: “Mỗi ngày tôi được trả 500 baht (khoảng 350.000 VNĐ-PV). So với làm nông nghiệp, làm khai thác đá quý thu nhập cao hơn”.
Ngoài việc khai khoáng, tất cả các chủ mỏ đều có ý thức và thực hiện nghiêm túc việc khai thác xong đến đâu san trả mặt bằng và trồng cây trả cho rừng. Đồng thời, xử lý kỹ nước đãi quặng trước khi thải ra sông, ra ruộng vườn, đảm bảo không gây ô nhiễm. “Làm như thế là để tái sinh cho rừng, bảo vệ môi trường, chuẩn bị tương lai con cháu có thể khai thác lợi ích từ rừng. Làm đá quý là đãi lộc thiên nhiên thôi, không được hủy hoại rừng và môi trường...”- anh Vorapol Thamuang nhấn mạnh.
Người đổ mồ hôi, đá mới lấp lánh…
Rời khu mỏ, đi ngược lại chừng 5km về phía trung tâm thành phố Chanthaburi, chúng tôi đến thăm một khu chế tác đá quý và làm trang sức. Tại Cơ sở chế tác đá quý “T and N”, trong căn phòng rộng chừng 40 m2, hơn chục công nhân đang miệt mài thực hiện các công đoạn mài thô, tạo dáng, làm bóng cho các viên đá quý trước khi chuyển sang các xưởng tinh chế và làm trang sức.
Mài, kiểm tra kích cỡ đá trước khi đưa đi làm bóng |
Ông Khomchack Thawonwiriyana, nghệ nhân và là chủ doanh nghiệp “T and N”, cho biết: “Các công đoạn chế tác đá quý đều phải kết hợp các kỹ năng, linh loạt, khéo léo bằng kinh nghiệm người thợ đối với mỗi viên đá, làm sao cho ra sản phẩm tốt nhất có thể. Sẽ không có viên đá đẹp nếu không có lao động của con người”.
Theo nghệ nhân chế tác Sukanda: “Để có sản phẩm bán ra thị trường, mỗi viên đá phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều người làm. Mỗi người thợ chế tác đều phải tập trung cao độ, vừa chịu khó vừa khéo léo, vì mỗi việc đều rất tỉ mỉ và cần độ chính xác cao”.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực chế tác đá, theo chị Sukanda: “viên đá đẹp là phải có độ bóng, hình dáng, màu sắc, cạnh đẹp. Tất nhiên, có rất nhiều loại kiểu, tùy theo đá nguyên liệu và qua bàn tay khéo léo của người thợ chế tác mà thành”.
Khớp đá quý thành phẩm vào khuôn mẫu trang sức |
Rời xưởng chế tác, chúng tôi đến thăm cơ sở làm trang sức đá quý của chị Wan Pen. Tại đây, mấy chục người thợ, nghệ nhân và có cả các lao động đang tuổi học sinh trung học, cùng đang thực hiện các công việc làm khuôn mẫu mã, đúc mẫu, mài mẫu và khớp mẫu với đá để tạo sản phẩm trang sức hoàn thiện.
Chị Wan Pen cho biết, các sản phẩm trang sức phải được làm sau khi đã có khảo sát kỹ về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với từng đơn hàng, từng vùng miền. Quan trọng nhất là chất lượng để giữ uy tín, thương hiệu không chỉ cho riêng công ty mà còn cho cả ngành đá quý của Chanthaburi, và Thái Lan.
Trung tâm Đá quý và Trang sức Chanthaburi là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối các giao dịch mua – bán, đặc biệt là cung cấp kiến thức liên quan đến đá quý, thực hiện kiểm định độc lập và cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Trang sức đá quý được trưng bày tại Trung tâm Đá quý và Trang sức Chanthaburi |
Ông Thiti Aketoonyuen, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm sản xuất, trưng bày và xuất khẩu đá quý, trang sức đá quý lớn thứ 3 của Thái Lan; xuất khẩu hàng tỷ USD/năm, riêng năm 2012 xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Ước tính riêng tại thành phố Chanthaburi, số lao động thường xuyên làm việc trong lĩnh vực đá quý, trang sức khoảng 50.000 người. Tại tỉnh Chanthaburi có 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng đều ngành đào tạo về trang sức và đá quý. Tuy nhiên, khoảng 70% nhân công trong ngành đá quý và trang sức tại Chanthaburi là tự học, nghề gia truyền; chỉ 30% được đào tạo chính quy từ nhà trường./.