Mô hình kinh tế làm tranh từ gạo của Khưu Tấn Bửu ra mắt đầu năm 2016 tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Được biết, từ khi còn học trung học phổ thông, bản thân Bửu đã yêu thích sản phẩm tranh gạo của những nghệ nhân đi trước. Đến khi vào Đại học, theo ngành tài chính ngân hàng, nhưng niềm say mê nghệ thuật vẫn không thuyên giảm. Vì thế, sau khi ra trường, quyết tâm đi theo “sự réo gọi của trái tim”, anh bắt tay khởi nghiệp làm tranh từ gạo.
Vốn ban đầu tích lũy 30 triệu đồng, thêm 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội dành cho thanh niên lập nghiệp, Khưu Tấn Bửu đã tự tìm hiểu về cách làm tranh gạo, từ khâu xử lý hạt gạo để có các cấp độ màu khác nhau, đến chống ẩm mốc…
Qua 1 năm với nhiều lần thử nghiệm, năm 2017, Tấn Bửu đã thành công trong công đoạn canh lửa cho ra 32 cấp độ màu gạo rang; đồng thời, theo thị hiếu khách hàng, anh cũng tiến hành nhuộm màu cho hạt gạo với các loại rau củ tự nhiên, cho ra đời 120 cấp độ màu.
Khưu Tấn Bửu tâm sự, trong quá trình kinh doanh, Tấn Bửu còn nghiên cứu cách đính tranh gạo lên các túi xách, phụ kiện thời trang phụ nữ. Đầu tháng 1/2018, Tấn Bửu bắt đầu bán các sản phẩm thời trang, móc khóa, được nhiều người ưa chuộng.
"Túi xách gạo là túi xách được đính hạt gạo lên mặt phẳng của túi xách đó. Theo bộ sưu tập hay thiết kế riêng thì nó có thể là đầy hột hoặc là một vài điểm nhấn nhá cho chiếc túi thôi. Tranh của em được xách tay qua Úc, Pháp và bán cho thị trường trong nước" - Khưu Tấn Bửu chia sẻ.
Sản phẩm làm từ hạt gạo của Khưu Tấn Bửu sở dĩ được ưa chuộng, vì ngoài màu sắc đa dạng, hạt gạo tròn đều, các bộ sưu tập mang nhiều chủ đề khác nhau, như: bộ sưu tập gạch bông, hoa chuối, sen, trò chơi dân gian, văn hóa châu Âu…
Những địa điểm như: Chùa Cầu ở Hội An, cầu Cần Thơ, nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu, Đại nội Huế hay cầu Vàng ở Đà Nẵng… cũng được thể hiện bằng hạt gạo rất tinh tế. Việc chuyển đổi sản xuất này đã giúp sản phẩm của Bửu tiến nhanh vào thị trường do đúng đối tượng, đúng thời điểm.
Mô hình khởi nghiệp của Khưu Tấn Bửu không chỉ tạo thu nhập cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên. Hiện nay, với sản phẩm tranh gạo và túi xách đính hạt gạo, Tấn Bửu đã tạo việc làm thường xuyên cho 9 sinh viên và một số việc làm theo thời vụ, mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ truyền nghề, chàng thanh niên 9X còn truyền cả cảm hứng cho người theo học.
Thạch Kim Ngân, sinh viên năm 2, ngành Luật, Trường Đại học Nam Cần Thơ, hiện theo học nghề làm tranh gạo chia sẻ: "Do hoạt động Đoàn nên em quen biết anh Bửu, em thấy những bức tranh anh làm rất đẹp nên em có ý định đi học. Em học tầm 6 tháng rồi. Để bán được một bức tranh hoàn thiện thì nghệ nhân cần có sự khéo léo, tỉ mỉ, thêm sự sáng tạo nữa. Và em thấy càng ngày càng hứng thú với tranh gạo của anh Bửu".
Qua 4 năm khởi nghiệp, hiện Khưu Tấn Bửu đã có thương hiệu sản phẩm của riêng mình là G.A.O. Tháng 8/2020, Tấn Bửu cũng thành lập Công ty TNHH MTV Khưu Tấn Bửu, khẳng định thêm vị thế sản phẩm của mình trên thị trường tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm tranh gạo của Khưu Tấn Bửu đã được xếp hạng OCOP 4 sao của thành phố Cần Thơ. Đây là bước ngoặt để anh viết tiếp chặng đường lập nghiệp của mình.
Anh Huỳnh Thái Nguyên, Phó Bí thư thành đoàn Cần Thơ, người đồng hành, hỗ trợ Khưu Tấn Bửu và những thanh niên khởi nghiệp cho biết, từ năm 2016 đến nay, Khưu Tấn Bửu đã nỗ lực không ngừng, xây dựng được thương hiệu và làm chủ Công ty của riêng mình. Tại những Hội chợ hàng tiêu dùng hay trong những Hội thảo dành cho bạn trẻ, Khưu Tấn Bửu là một trong những gương mặt sáng dùng sản phẩm quảng bá hình ảnh quê hương Cần Thơ, đất nước Việt Nam đến mọi người.
"Từ những tấm gương như bạn Bửu thì hiện nay phong trào khởi nghiệp ở Cần Thơ cũng đang phát triển. Chúng tôi cũng đã thành lập được Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo và cũng mới ra mắt Câu lạc bộ Khởi nghiệp trẻ online. Chính vì sự thành công này, thì đây là động lực rất lớn để các bạn sinh viên Trường cũng như các bạn thanh niên ở khu vực đô thị, nông thôn có động lực để các bạn mạnh dạn hơn trong khởi nghiệp" - anh Bửu bày tỏ.
Các sản phẩm từ gạo đã cho Khưu Tấn Bửu thu nhập tăng lên mỗi năm, gần đây nhất năm 2019, Tấn Bửu đã có thu nhập xấp xỉ 500 triệu đồng. Và Khưu Tấn Bửu cũng đã có một Triển lãm “Tình yêu hạt gạo” của mình vào gần tháng 6 năm 2020.
Nói về định hướng tương lai, Khưu Tấn Bửu chia sẻ: “Tôi có ý tưởng đưa chất liệu hoàn toàn thiên nhiên vào sản phẩm của mình. Tôi bắt đầu nghiên cứu đính hạt gạo lên túi xách bằng gỗ, vừa bảo vệ môi trường và cũng là sản phẩm độc, lạ thu hút nhiều khách hàng hơn. Đặc biệt, trong thời gian gần nhất, tôi cũng sẽ quyết tâm gầy dựng một làng nghề làm tranh từ hạt gạo tại đất Tây Đô”.
Khưu Tấn Bửu chia sẻ: "Tạo ra được làng nghề của tranh gạo, em đóng vai trò là một người truyền lại nghề cho những bạn cần để tạo ra được làng nghề, phủ sóng rộng hơn. Từ làng nghề đó, định hướng sẽ làm du lịch làng nghề tranh gạo. Khi khách hàng đến sẽ được tham quan những bạn nghệ nhân gia công lên một sản phẩm như thế nào? Các công đoạn làm như thế nào? Và được trải nghiệm 1 ngày làm nghệ nhân, thưởng thức những món ăn dân gian, sau đó sở hữu 1 bức tranh mình làm mang về".
Công ty TNHH MTV Khưu Tấn Bửu đang tập trung làm tranh mừng Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Bộ sưu tập năm nay gồm nhiều câu liễn, câu đối Tết, chữ Thư pháp cùng những bức tranh hoa nhiều màu sắc tươi vui. Đây cũng là lời chúc đầy tâm huyết mà Khưu Tấn Bửu cùng học viên của mình gửi đến khách hàng. Sự nhiệt tâm, cộng thêm tài hoa được rèn giũa qua thời gian, tin rằng, sản phẩm làm từ hạt gạo thắm đượm “hồn quê” của Khưu Tấn Bửu sẽ ngày càng đến nhiều nơi hơn, sống mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật./.