Sáng nay (29/3), Bộ GTVT, UBND TP.Đà Nẵng và nhà đầu tư Trung Nam Group tổ chức khánh thành công trình Nút giao thông khác mức ngã ba Huế. Đây là công trình chào mừng 40 năm giải phóng thành phố .Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2015).

Nỗi ám ảnh kẹt xe, tai nạn

Ngã ba Huế là cửa ngõ lớn dẫn vào trung tâm thành phố Đà Nẵng với hơn 15.000 lượt ô tô, hàng trăm ngàn lượt xe máy và các chuyến tàu bắc - nam liên tục đi qua mỗi ngày, là điểm đen về kẹt xe, chiếm đến 30% tai nạn giao thông trên toàn thành phố. Việc đầu tư, xây dựng dự án nêu trên (tên thường gọi Cầu vượt ngã ba Huế) không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn là điểm nhấn kiến trúc, góp phần xây dựng đô thị Đà Nẵng văn minh, hiện đại và thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Bộ GTVT, UBND thành phố Đà Nẵng tin tưởng giao công trình này cho Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đây là dự án trọng điểm cấp bách số 1 của thành phố Đà Nẵng và hiện được đưa vào công trình trọng điểm cấp quốc gia.

Nhà đầu tư Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã xác định nhiều khó khăn khi thực hiện thi công tại khu vực có giao thông rất phức tạp gồm đường bộ và đường sắt; khối lượng giải phóng mặt bằng khá lớn với gần 500 hộ dân phải di dời, thời gian chuẩn bị ngắn, thiết kế phức tạp và phải điều chỉnh khi triển khai... Ô

ng Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, nhấn mạnh: “Với sự hỗ trợ kịp thời của các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án đã giúp nhà đầu tư hoàn thành một công trình có ý nghĩa đặc biệt chào mừng 40 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng”.

“Công trình không ngủ”

Khi đưa ra cam kết thực hiện cầu vượt 3 tầng lớn nhất Việt Nam hiện nay với vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng và thời gian thi công 18 tháng (gồm cả công tác chuẩn bị và giải phóng mặt bằng) thì phần lớn người trong ngành hay người dân đều cho là khó có thể hoàn thành.

cau_vuot_pbaq_jkwf.jpg
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Tiến cho rằng: “Khi tìm hiểu về những dự án lớn trên thế giới như cầu Milau (Pháp) hay đảo Palm Jumeiah (Ấn Độ) tôi thấy họ đều làm được những điều mà trước đó tất cả đều cho là không thể, và họ đã minh chứng cho thế giới thấy họ làm được, thậm chí làm tốt như thế nào, nhất là chạy đua với thời gian, hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt và những kỹ thuật phức tạp. Từ đó đã giúp tôi dũng cảm nhận dự án Cầu vượt ngã ba Huế, bởi tôi tin những kỹ sư, công nhân VN nói chung và Trung Nam Group nói riêng đủ trí tuệ và bầu nhiệt huyết để xây dựng cầu vượt này”.

Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, ngay từ đầu nhà đầu tư đã đưa ra các giải pháp điều hành, quản lý hợp lý; đồng thời xây dựng phương án thi công khoa học, kết hợp tối đa trí tuệ, khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ được cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước. Theo ông Nguyễn Tâm Tiến: “Để làm nên kỳ tích đó, ròng rã suốt 16 tháng, công trình Cầu vượt ngã ba Huế đã huy động nguồn nhân lực phục vụ thi công với hơn 480.000 ngày công lao động kỹ sư và công nhân, tương đương 11.520.000 giờ lao động. Vào những lúc cao điểm lên đến hơn 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện, thiết bị hiện đại thi công 24/24 giờ mỗi ngày, kể cả những ngày lễ, tết để xứng đáng với tên gọi “công trình không ngủ””.

Cầu vượt ngã ba Huế tương đương quy mô và khối lượng của cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng (cộng lại), nhưng các đơn vị thi công chỉ làm bằng một nửa thời gian thi công hai cầu nói trên. “Dù tiến độ vượt trội, nhưng chất lượng dự án vẫn đảm bảo. Với thời gian thực tế thi công 16 tháng, dự án được đánh giá lập nên kỳ tích mới về tiến độ thi công và chất lượng cho ngành cầu đường Việt Nam”, ông Nguyễn Tâm Tiến nói./.