Số liệu thống kê mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng số vốn rà soát, cắt giảm đến thời điểm này của cả nước là khoảng 80.550 tỷ đồng, bằng 9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy vậy, từ thực tế và từ báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng, việc cắt giảm đầu tư theo cách mà chúng ta đang làm vẫn còn những điều đáng lưu tâm để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Hiệu quả thực chất của việc cắt giảm đầu tư công chưa nhiều, trong khi cắt giảm đầu tư công là một trong những biện pháp để góp phần thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi là chặn đà tăng của lạm phát.

Trong tổng số hơn 80.000 tỷ đồng báo cáo sẽ cắt giảm, số vốn cắt giảm, điều chuyển của các bộ, ngành địa phương và các tập đoàn kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng. Còn đối với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo: Yên Bái và Điện Biên là 2 tỉnh chưa có báo cáo chính thức về việc cắt giảm.

Trao đổi với phóng viên VOV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, ông Hoàng Thế Dũng cho biết đang hoàn chỉnh báo cáo cuối cùng. Hiện tại, toàn tỉnh Điện Biên mới chỉ điều chuyển vốn của 26 dự án với tổng số vốn mới khoảng 6 tỷ đồng: “Nếu cắt giảm các dự án cũng khó vì đã bố trí mục tiêu rồi. Mục tiêu của Nghị quyết 11 không phải là cắt giảm, mà chỉ là đẩy nhanh hiệu quả, điều chuyển dự án, nâng cao hiệu quả nên chúng tôi không cắt giảm. Khó khăn lớn nhất của địa phương là nhu cầu đầu tư lớn, nên trong danh mục điều chỉnh vốn, những dự án giao từ cuối năm 2010 nếu không được bố trí vốn sẽ rất khó cho chủ đầu tư…”.

Trong khi đó với Yên Bái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Xuân Sáng xin đính chính là tỉnh này chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết 11 của Chính phủ, đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể Yên Bái hoãn và dừng thi công 23 công trình, với tổng vốn 43,5 tỷ đồng. Số tiền này dự kiến sẽ được ưu tiên bố trí vào những danh mục, dự án đã và sẽ hoàn thành vào năm 2011: “Với một số công trình thuộc các dự án 30A, dự án 134 xóa đói giảm nghèo, tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai, đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ; số vốn 43,5 tỷ đồng sẽ ưu tiên cho các công trình quan trọng để phát triển kinh tế xã hội ở địa phương: các dự án vốn nhỏ, có tính chất để hoàn thành trong năm 2011. Đối với công trình đầu tư lớn, tỉnh thực hiện giãn tiến độ theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11; tiếp tục đầu tư 10 tỷ đồng cho khu công nghiệp, khu chế xuất để phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương…”.

Qua phản ánh thực tế của 2 địa phương và báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, việc cắt giảm đầu tư công về cơ bản là đúng, là có tác dụng nhất định. Tuy nhiên việc cắt giảm đầu tư công như vậy chủ yếu là đối với  những công trình, dự án mới chưa triển khai, tạm dừng lại. Còn diện phải điều chỉnh, kiên quyết rà soát những công trình, dự án không hiệu quả, có một số địa phương làm được, một số làm chưa quyết liệt. Do vậy, có ý kiến cho rằng cần quyết liệt hơn trong việc rà soát để phát hiện những công trình, dự án đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, thậm chí phải kiên quyết dừng lại. Đến nay không phải nơi nào cũng quyết liệt làm điều này.

Ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: “Công bố số liệu là như vậy, nhưng thực chất còn rất xa với số liệu thực tế. Cắt giảm đầu tư công vẫn nằm trong các dự án chưa triển khai, chứ không phải cắt giảm vốn thực tế. Khi đã phân bổ tiền cho các địa phương, các địa phương đã duyệt dự án, sẽ rất khó để cắt giảm dự án. Do đó, việc để cho các tỉnh tự cắt giảm là bài toán cần tính lại hay cân nhắc xem nên cắt giảm theo một tỷ lệ nào đó trong đầu tư công hay không? Việc cắt giảm như thế cũng được, nhưng kiên quyết không ứng tiền năm 2012. Năm 2010 đã ứng tiền ngân sách khá lớn và để lại hậu quả cho năm 2011”.

Lý giải cho thực tế này, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm cơ chế quản lý đầu tư công, nhất là phân cấp trong việc phê duyệt, quyết định và quản lý giám sát đầu tư đã “đẻ ra” hệ lụy hiện tại. Nói như thế bởi một khi đã phân cấp cho địa phương việc cắt giảm hay tiếp tục dự án là quyền của địa phương. Do vậy, chắc chắc sẽ nảy sinh tâm lý cắt giảm đầu tư lấy lệ và chỉ làm ở mức độ nhất định hoặc triệt để rất khó.

Thành viên Ủy ban Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - ông Cao Sĩ Khiêm bình luận: “Đây là một cái khó trong điều hành, và rất khó để đảm bảo tính chính xác. Lúc đầu chúng ta đã bàn tới 2 cách cắt giảm, có thể cắt giảm theo tiêu chí hiệu quả và cắt giảm ngay theo một khối lượng nhất định. Cách thứ hai sẽ hợp lý hơn. Còn cách làm hiện nay thì số liệu cắt giảm đầu tư công tổng hợp được liệu có chính xác hay không? Có bao nhiêu vốn cắt giảm thuộc dự án đang làm, hay chủ yếu là cắt giảm vốn dự kiến làm? Trong khi đó, địa phương nào cũng thấy cần thiết, cũng thấy hiệu quả, nên khó để tự cắt giảm”.

Rõ ràng, cắt giảm đầu tư công bằng con số trên giấy như hiện nay mới chỉ là con số “thô”, hiệu quả như thế nào còn cần phải có sự tính toán, đánh giá một cách khoa học và bài bản hơn tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột” hoặc thiếu quyết tâm, thiếu giám sát như hồi năm 1998.

Chúng tôi sẽ tiếp tục có bài viết về vấn đề này với cách đặt vấn đề của chuyên gia về câu chuyện giám sát và thực hiện nghiêm cắt giảm chi công thế nào cho hiệu quả./.