Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/5, Thứ trưởng Bộ Công Đỗ Thắng Hải đã giải đáp những băn khoăn của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng trong vấn đề thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện thu mua và cấp đông thực phẩm, nhất là thịt lợn.

dd0f00d5fa9413ca4a85_srks.jpg
Doanh nghiệp lo ngại thịt lợn cấp đông sẽ không có đầu ra.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, thu mua thịt lợn và cấp đông là chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 17/5 vừa qua, trong đó yêu cầu rất nhiều các bộ ngành tập trung xử lý dịch tả lợn châu Phi. Để thực hiện các chỉ đạo, Bộ Công Thương đã tổ chức họp bàn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ liên quan và các doanh nghiệp, các Sở trên toàn quốc… để bàn vấn đề này.

“Đây là việc khó khăn vì khả năng cấp đông của các doanh nghiệp thu mua, giết, mổ, chế biến của Việt Nam còn rất hạn chế. Việc cấp đông thịt lợn trong thời gian dài, với khối lượng lớn, sẽ gặp khó khăn với nguồn lực, cơ sở hạ tầng cũng như là tài chính. Nhiều cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện cơ cở vật chất để thực hiện cấp đông”, ông Hải nói.

Hiện nay, cả nước chỉ có 387 cơ sở giết mổ tập trung trong khi có hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở các vùng tại Đồng bằng Sông Hồng. Một thực tế nữa là nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cấp đông của người Việt Nam còn rất hạn chế, chưa phổ biến, gây lo ngại cho doanh nghiệpliệu sản phẩm cấp đông sau này có bán được không.

Với thị trường Việt Nam hiện nay, thịt lợn cấp đông sẽ đi đến nhiều hơn các cơ sở chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, việc thực hiện cấp đông đang rất cần thiết do giá bán thịt lợn giảm, thậm chí khó bán nên người nông dân bị tồn thịt không bán được. Hơn nữa, nguy cơ dịch bệnh lan tới khiến cả đàn lợn chết phải tiêu hủy rất cao.

“Chúng ta phải tính đến cung cầu của mặt hàng thịt lợn. Ví dụ, sau 3-4tháng nữa và đặc biệt dịp trước Tết cổ truyền Việt Nam, thì liệu lúc đó có đủ thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, cho người tiêu dùng hay không?”, ông Hải nêu vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Công thương đồng thời khẳng định việc quan trọng nhất là phải đảm bảo thịt lợn thua mua và sau đó cấp đông phải đảm bảo an toàn. Cần sự phối hợp giữa các bộ ngành để đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi./.