“Đường cao tốc Trung Lương- Cần Thơ phải được xây dựng gấp rút, làm động lực phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông cho vùng ĐBSCL”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với các Bộ ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL và nhà đầu tư xây dựng đường cao tốc tại tỉnh Tiền Giang diễn ra sáng 10/3.
Phó Thủ tướng Chính phủ thị sát việc xây dựng đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (Tiền Giang). |
Đặc biệt tuyến Quốc lộ 1 từ TP Cần Thơ đến TP HCM đã quá tải, là “nút thắt” gây ùn tắc và tai nạn giao thông. Do đó việc xây dựng hoàn thiện tuyến đường cao tốc từ TP HCM - Cần Thơ là cần thiết, là “xương sống” kết nối vùng ĐBSCL và TP HCM, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội và giảm tai nạn giao thông, đảm bảo tính mạng của con người .
Do nhu cầu bức thiết đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh Tiền Giang - Đồng Tháp, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ và các nhà đầu tư, đơn vị thi công, tư vấn… phải gấp rút triển khai thi công, xây dựng các dự án xây dựng đoạn đường cao tốc từ Trung Lương (Tỉnh Tiền Giang) đến thành phố Cần Thơ.
Phó Thủ tướng yêu cầu, chậm nhất đến năm 2019 phải đưa vào sử dụng, sớm hơn dự kiến từ 1-2 năm để kết nối với đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương. Trong đó, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận rút ngắn 1 năm, đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ rút ngắn 2 năm. Việc thi công các công trình này phải đảm bảo an toàn, chất lượng, hạn chế gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án.
“Các công trình này phải nhanh, bởi đây là nút thắc, là điểm nghẽn ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng, ảnh hưởng đến đến chất lượng cuộc sống và an toàn tính mạng của người dân. Nên yêu cầu phải nhanh. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ phải sớm 2 năm, yêu cầu thi công phải đảm bảo an toàn đối với người lao động”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Dự án xây dựng đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Bộ Giao thông làm chủ đầu tư dài 51 km, nối liền từ điểm cuối của đoạn cao tốc TP HCM - Trung Lương (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) đến nút giao Quốc lộ 30 (thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè - Tiền Giang).
Công trình này xây dựng theo hình thức BOT do liên doanh của 5 nhà thầu đầu tư, với kinh phí gần 14.700 tỷ đồng. Mặt đường đoạn cao tốc này rộng gần 14 m với 4 làn xe. Trên tuyến đường cao tốc có bốn nút giao thông khác mức và 5 cầu vượt.
Vận hành Trung tâm quản lý thông minh cao tốc Long Thành - Dầu Giây
Riêng đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có chiều dài gần 24 km nối từ điểm cuối của đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đến thành phố Cần Thơ. Dự án này cũng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư và sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trong tháng 3 này, sau đó sẽ tổ chức mời thầu và đấu thầu quốc tế với hình thức xây dựng BOT.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng công trình này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, sớm hơn kế hoạch 2 năm./.