Tết Nguyên đán đang đến gần nhưng nhiều hộ dân trong diện di dời phục vụ Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn “bám trụ” trong căn nhà cũ. Có những hộ đã nhận tiền đền bù, nhận đất tái định cư nhưng vẫn đòi Nhà nước chi trả thêm.
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đến cuối năm 2016, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phải thông xe kỹ thuật đoạn từ Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hiện dự án này đang bị "báo động đỏ” về tiến độ thi công.
Tại vị trí cầu vượt Tỉnh lộ 609 giao với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thuộc địa phận thôn Phong Thử 1, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đang có 2 hình ảnh trái ngược nhau. Bên mố cầu phía Bắc đã thi công xong đang hoàn thiện. Còn bên mố cầu phía Nam, 16 hộ dân chưa đồng ý di dời vẫn làm ăn, sinh sống bình thường.
Hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang bị "báo động đỏ” về tiến độ thi công. |
Ông Nguyễn Đình Thành, một hộ dân ở thôn Phong Thử 1, Thị xã Điện Bàn cho biết, hiện gia đình chưa nhận đất tái định cư và cũng chưa nhận tiền đền bù vì đang khiếu nại một số vấn đề chưa thỏa đáng. Số đất vườn tái định cư diện tích nhiều nhưng đến nay gia đình chưa được cấp đủ, do đó gia đình còn chờ công tác tái định cư ổn định, dự án giải quyết bàn giao xong mới di dời.
Không chỉ gặp trở ngại trong giải tỏa đền bù, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam còn gặp phải sự cản trở quyết liệt từ một số hộ dân khi tiến hành di dời 2 mạch điện 500 kV và 220 kV từ trụ điện cũ qua trụ điện mới để phục vụ thi công. Chủ đầu tư là Tổng Công ty đường Cao tốc Việt Nam (VEC) đang đứng ngồi không yên vì lịch cắt điện sắp hết thời gian cho phép.
Bà Trần Thị Nở, 62 tuổi, một trong những hộ dân ở đây nêu lý do: “Gia đình sống dưới đường dây điện từ năm 2001 đến nay chịu ảnh hưởng rất nhiều mà không được giải quyết, không được đền bù. Đến nay, dự án nói thả đường dây điện xuống gia đình cũng không được hưởng quyền lợi, trong khi đó nhiều nhà được lĩnh tiền đền bù, riêng nhà tôi không được lĩnh”.
Trong khi đó, ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết, nếu công tác giải phóng mặt bằng không bảo đảm kế hoạch sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án quan trọng này.
“Theo kế hoạch của Bộ GTVT cũng như Tổng Công ty, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ thông xe tuyến từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ. Hiện tại TP Đà Nẵng vướng mắc một số công trình công cộng, tái định cư. Thị xã Điện Bàn đang vướng nặng nhất Khu tái định cư Phong Thử với khoảng hơn 100 hộ dân chưa di dời, chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Dự án đang rất cấp thiết, từ nay đến tháng 3 chủ đầu tư không bàn giao mặt bằng cho nhà thầu dự án sẽ bị vỡ tiến độ”, ông Hưng cho biết.
Nhiều gia đình đã nhận tiền đền bù do ảnh hưởng của lưới điện nhưng vẫn cố chây ỳ không chịu di dời. |
Trao đổi với ông Lê Thương, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam được biết, Trung tâm đã giải thích với kiến nghị của người dân về áp giá đền bù thấp, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý hỗ trợ thêm. Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Điện Bàn đã bổ sung mức chi trả. Tuy nhiên, nhiều hộ dân lại đòi bồi thường cao hơn phần trượt giá mà UBND tỉnh Quảng Nam cho phép nên Trung tâm phải xin ý kiến UBND tỉnh.
Với các hộ dân cho rằng vướng đường dây điện và yêu cầu đền bù, trong đó có hộ bà Trần Thị Nở, trước đây khi đường cao tốc chưa đi qua, trụ điện và đường dây đã có trong phần đất nhà bà Nở và bà đã nhận tiền đền bù hơn 24 triệu đồng. Nay làm đường cao tốc, hệ thống điện không ảnh hưởng đến nhà bà Nở.
Ông Lê Thương khẳng định, phía UBND thị xã sẽ giải thích cho gia đình bà Nở trên tinh thần là không bồi thường, đồng thời có biện pháp bảo vệ thi công.
“Với những trường hợp còn tồn tại, UBND thị xã đã đối thoại theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Về cốt nền, UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ cao thêm 0,6 mét khối cho từng hộ dân. Người dân cho rằng giá đền bù thấp, không đủ làm nhà lại nhưng trước đây các gia đình đã hỗ trợ trượt giá 1,35%, bây giờ tiếp tục bổ sung 6%”, ông Thương nêu rõ.
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để dự án này về đích đúng hạn, rất cần sự ủng hộ của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan./.