Tỉnh Lạng Sơn là đơn vị đầu tiên trong cả nước được thí điểm triển khai "Cửa khẩu số" trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Được kỳ vọng là bước đột phá trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần tạo thuận lợi để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra thông suốt, ổn định, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, sau gần 9 tháng đưa vào thực hiện thí điểm, nền tảng cửa khẩu số triển khai tại tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả, cần tiếp tục hoàn thiện.
Từ ngày 21/2 đến nay, nền tảng cửa khẩu số được đưa vào thí điểm tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn. Đến nay, 100% các xe hàng đã khai báo trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu và được xử lý trên nền tảng (bao gồm cả xe nhập và xe xuất). Mặc dù đều đồng thuận với chủ trương đưa nền tảng cửa khẩu số vào ứng dụng, tuy nhiên sau gần 9 tháng đi vào hoạt động, theo ý kiến của nhiều DN, nền tảng này vẫn chưa thực sự được tối ưu hóa để đạt được mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Bà Hoàng Thị Lê, Công ty XNK Hoàng Đức Phong – DN chuyên xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cho biết, trước khi thực hiện cửa khẩu số, DN chỉ cần 2 người đi làm, nhưng bây giờ phải thêm 2 người nữa để có thể theo được cửa khẩu số, có nghĩa là đã tăng thêm nhân lực, tăng thêm chi phí để có thể xuất khẩu 1 xe hàng được nhanh nhất.
“DN chỉ mong cửa khẩu số có thể tinh chỉnh để có thể đạt mục tiêu ban đầu đề ra đó là giảm nhân lực, giảm chi phí vì qua thời gian thực hiện DN chưa thấy điều này. Nếu như để đánh giá khách quan, nền tảng số thực hiện tại cửa khẩu mới chỉ được 3 điểm trên thang điểm 10”, bà Lê thẳng thắn.
Hiện nay, mỗi cơ quan ở khu vực cửa khẩu như Hải quan, Biên phòng lại có 1 phần mềm quản lý khác nhau. Điều này khiến các DN phải khai báo trên nhiều hệ thống, nảy sinh nhiều phiền phức. Ông Phạm Thanh Cầm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cho biết, hiện nay dữ liệu chưa đồng bộ giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành và phần mềm cửa khẩu số, cho nên cán bộ công chức hiện nay đang thực hiện song song 2 nền tảng trên 2 máy tính khác nhau, nên phải thao tác nhiều và một số vị trí phải tăng cường thêm người, thêm trang thiết bị để đảm bảo việc thông quan hàng hóa.
“Hiện nay do cửa khẩu số chưa hoàn thiện nên 1 số báo cáo, thống kê để phục vụ công tác quản lý, nên cơ quan vẫn phải thực hiện thủ công để đảm bảo công tác báo cáo hàng ngày. Trong thời gian tới, nền tảng cửa khẩu số cần được tiếp tục tinh chỉnh để đáp ứng mục tiêu đề ra”, ông Cầm cho biết.
Khi thực hiện nền tảng cửa khẩu số, việc cho phép lái xe Trung Quốc nộp phí sang tải khi chưa làm thủ tục Hải quan dẫn tới khó khăn cho việc xác định loại hình hàng hóa của cơ quan hải quan, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu DN lợi dụng kê khai sai chủng loại hàng hóa. Quy trình 4 bước đối với việc thu phí sang tải của phương tiện Trung Quốc thiếu căn cứ pháp lý, nên không có cơ sở để các lực lượng chức năng thực hiện đúng theo quy trình. Việc liên thông, chia sẻ dữ liệu trên nền tảng cửa khẩu số còn hạn chế, gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho rằng, việc chia sẻ dữ liệu, kết nối thông tin giữa các lực lượng là điều vô cùng quan trọng để tối ưu hóa thời gian, chi phí, và nguồn nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện cửa khẩu số.
“Hiện nay nhiều thông tin, dữ liệu của nền tảng cửa khẩu số đã có trong hệ thống Hải quan, nhưng cần sự liên thông trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống, giúp cho việc khai báo của người dân ít hơn, 1 lần khai báo cho nhiều mục đích sử dụng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan, cho hoạt động XNK trên địa bàn. Cùng với đó, nền tảng cần được quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả thông qua quản lý tài khoản người sử dụng, mỗi tài khoản cần được gắn với trách nhiệm cụ thể. Trong thời gian tới khi nền tảng cửa khẩu số chính thức hoạt động, những vấn đề liên quan đến quản trị hệ thống, quản lý dữ liệu sẽ được đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu quản lý đề ra”, ông Tài tin tưởng.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và truyền thông, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số và đây là việc làm chưa có tiền lệ, nên trong quá trình triển khai thực tế phải vừa làm vừa chỉnh sửa. Vướng mắc lớn nhất hiện nay đó là phía Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược Zero Covid, vì vậy các phương thức trao đổi hàng hóa thay đổi liên tục cũng kéo theo việc liên tục phải chỉnh sửa, hoàn thiện các quy trình trên nền tảng cửa khẩu số.
“Trong tương lai Sở sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng có hệ thống 1 cửa quốc gia, những dữ liệu nào trên hệ thống cần liên thông Sở sẽ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng... để hướng tới cửa khẩu số thông minh, thực hiện chia sẻ dữ liệu tất cả các ngành, các lĩnh vực liên quan đến hoạt động XNK tại Tân Thanh, Hữu Nghị, giúp các DN hoạt động theo 1 quy trình tự động hóa hoàn toàn, tạo điều kiện cho hoạt động XNK được công khai, minh bạch”, ông Hùng cho hay.
Không phủ nhận nền tảng cửa khẩu số là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn, gắn với việc phát triển kinh tế cửa khẩu, gắn với sự phát triển KT-XH của địa phương, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên để có thể đạt những mục tiêu đề ra, nền tảng này cần tiếp tục được tinh chỉnh, nghiên cứu, hoàn thiện trên cơ sở những vướng mắc từ thực tiễn. Có như vậy, mới đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng DN, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn./.