>> Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều thuận lợi / Xây dựng kho dự trữ lúa gạo 70.000 tấn/năm / Xây kho dự trữ 4 triệu tấn gạoNgày 4/11, tại TP HCM, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp- nông thôn phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức hội thảo chủ đề: “Triển vọng thị trường lúa gạo thế giới năm 2011”.
Từ 2005 đến 2010, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 8,4%/năm, giá lúa tăng 14,7%/năm. Năm nay, dự kiến Việt Nam xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,87 tỉ USD. 6 tháng đầu năm 2010, giá gạo thế giới có xu hướng giảm và theo dự báo từ nay đến cuối năm mới có dấu hiệu tăng lên.
Tình hình biến đổi khí hậu và những bất ổn về tài chính, tiền tệ đang ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lương thực, thực phẩm. An ninh lương thực đang ngày càng trở thành vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Đối với các nước sản xuất lương thực như Việt Nam thì đây là một cơ hội nhưng đồng thời cũng là một nguy cơ nếu thiếu các thông tin phân tích và dự báo thị trường chính xác.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia trình bày tại hội thảo cho rằng: về lâu dài, ngành lúa gạo Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng hơn nữa, nhưng vẫn có những biến động bất thường. Vì thế, để giữ vững vị trí là một quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, Việt Nam cần tăng cường hệ thống dự trữ quốc gia, nâng cao năng lực sản xuất của nông dân và đưa ra những chiến lược cạnh tranh phù hợp. Trong đó, chính sách của Chính phủ đóng vai trò quyết định cho tương lai dài hạn của ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thời gian qua, chúng ta xuất khẩu chủ yếu là nhờ huy động tài nguyên thiên nhiên. Tuy xuất khẩu nhiều nhưng lợi ích đem lại cho đất nước, đặc biệt là nông dân không nhiều.
“Chúng ta có thể xuất khẩu giảm về số lượng nhưng phải giữ nguyên giá trị và hiệu quả. Cần tăng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức người nông dân lại và tăng cường dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại. Chiến lược và chính sách phải đổi mới để thay đổi kết cấu của nền nông nghiệp tiến từ đầu tư xuất khẩu, đầu tư nhiều tài nguyên sang khoa học công nghệ và phát triển con người là chính” - TS Đặng Kim Sơn nói./.