Với vị trí nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ. Các dự án như: Đường cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM, đường sắt Biên Hoà-Vũng Tàu và hệ thống giao thông liên cảng sẽ hình thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ.
Để thực hiện mục tiêu biến Trung tâm logistics Cái Mép Hạ thành Khu thương mại tự do, là động lực mới phát triển vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang cập nhật chủ trương trên vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tỉnh cũng đang kết nối, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, kết nối với TP.HCM, với các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam Bộ và cả nước, kết nối với hành lang kinh tế xuyên Á.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do Cái Mép Hạ. Do đó, địa phương kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu tổng thể về mô hình quản lý cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Thương mại tự do Cái Mép Hạ.
“Phạm vi không chỉ là cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng thể chế, thiết chế, pháp lý có tác động lớn, rộng. Chính phủ cần hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng Khu thương mại tự do phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về phát triển vùng và điều tiết các nhu cầu của vùng”, ông Nguyễn Văn Thọ kiến nghị.
Cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, tổng kết Nghị quyết 53 về phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đánh giá, so với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, những đóng góp của vùng Đông Nam Bộ là chưa xứng tầm, trong đó vai trò đầu tàu của TP.HCM chưa được phát huy hết.
Bởi vậy, để thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, chủ trương hành động của Chính phủ, ngoài giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển Vùng, TP.HCM cũng tập trung thay đổi mô hình phát triển trong bối cảnh mới, gắn kết với phát triển Vùng.
Cụ thể, TP.HCM tiến hành tái cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Tập trung phát triển kinh tế theo hướng phát triển các ngành dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, gắn với xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại - du lịch, logistics quốc tế, tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao và giá trị gia tăng cao, rà soát chuyển đổi công năng các Khu chế xuất-Khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao.
Thành phố sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong Vùng để xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2030 với các nội dung trọng tâm theo Nghị quyết- 24. Trước mắt là phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xem quy hoạch Vùng là công cụ điều phối quan trọng trong quá trình phát triển cả Vùng….
Để làm tốt điều này, ông Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố cũng như của các địa phương trong Vùng cần có cơ chế phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Cơ chế phối hợp này là giữa các địa phương trong Vùng và sự phối hợp giữa các địa phương với các bộ ngành.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị, Chính phủ cần củng cố thành phần Hội đồng vùng, cơ chế hoạt động, trong đó quy định rõ ràng cơ chế triển khai quy hoạch Vùng, cũng như quy hoạch các địa phương, quy chế hoạt động trong điều phối các công trình trọng điểm của Vùng; cho phép thành lập quỹ phát triển giao thông, hạ tầng vùng với nguồn vốn hỗn hợp.
"Chúng tôi thấy mô hình vốn cho Vành đai 3 rất hiệu quả, vừa kết hợp vốn Trung ương và vốn địa phương. Có nguồn quỹ phát triển hạ tầng giao thông Vùng thì sẽ giải quyết nhanh hơn các vấn đề giao thông của vùng. TP Hồ Chí Minh cam kết với Chính phủ là sẽ hành động với trách nhiệm cao nhất để hiện thực hoá Nghị quyết 24, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước” - ông Phan Văn Mãi nói./.