Khó khăn rất nhiều
- Xin ông cho biết kế hoạch xử lý nợ xấu của VAMC trong năm nay?
Sau khi hoàn thành bước đầu việc hỗ trợ các TCTD đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của VAMC trong năm 2016 là tiếp tục mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt và tập trung xử lý nợ xấu đã mua. Chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá, phân loại 243 nghìn tỷ đồng nợ gốc đã mua với trái phiếu đặc biệt phát hành là 207 nghìn tỷ đồng trong 3 năm (2013 - 2015) để có biện pháp xử lý thích hợp. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án để đẩy nhanh tốc độ thi hành những bản án đã có hiệu lực, qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu thu hồi đạt mức tốt nhất.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiến hành đấu giá tài sản đảm bảo căn cứ theo Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, tôi kỳ vọng Luật Đấu giá tài sản sẽ được ban hành, có một chương riêng, hoặc ít nhất là có một Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn VAMC triển khai đấu giá khoản nợ, phát mại tài sản. Thực tế, thu hồi nợ xấu năm 2015 là 17,875 nghìn tỷ đồng thì sang năm 2016 cũng phải phấn đấu đạt khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm của VAMC trong năm nay và tôi cho rằng chúng hết sức nặng nề.
- Trong quá trình xử lý nợ xấu, VAMC gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Thực ra khó khăn có rất nhiều. Thứ nhất là khó khăn về thu giữ tài sản bảo đảm. Bản thân VAMC không thể chủ động thu hồi tài sản bảo đảm để phát mại mà phải được sự đồng thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Nếu khách hàng không đồng thuận thì sẽ xảy ra nhiều khâu rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Có khi phải mất đến vài ba năm cho một vụ việc tính từ lúc khởi kiện ra tòa cho đến khi kết thúc, giải quyết tranh chấp.
Một trong những vấn đề tôi cho là vướng mắc nhất là chúng ta chưa có thị trường mua bán nợ. Chúng ta cũng chưa có tiêu thức định giá giá trị khoản nợ. Khi chưa có tiêu thức định giá giá trị khoản nợ thì VAMC sẽ định giá trên cơ sở nào? Và khi định giá được khoản nợ rồi thì bán nợ cho ai? Do đó muốn xử lý được nhanh thì phải có thị trường mua bán nợ và chỉ khi có thị trường này thì lúc đó mới có thể xử lý nợ xấu quyết liệt được.
Còn những khoảng trống
- Về hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu thì sao, thưa ông?
- Hành lang pháp lý để bảo vệ VAMC trong quá trình xử lý nợ chưa thực sự bảo đảm và còn những khoảng trống. Vì tất cả những khoản nợ mua là những khoản nợ dưới chuẩn mà nợ dưới chuẩn là những nợ có vấn đề, vì vậy xử lý nó phải uyển chuyển, linh hoạt nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật. Chưa có một cơ quan nào thẩm định giá trị khoản nợ, VAMC tự định giá nợ, cơ sở pháp lý để thẩm định giá trị khoản nợ chưa có.
Chúng tôi cũng đã kiến nghị cần có một bộ luật về xử lý nợ xấu. Theo đó, tất cả mọi vấn đề liên quan đến nợ xấu đều dựa vào luật đó mà xử. Tránh tình trạng, 3 - 5 năm sau lại bảo cơ sở nào để VAMC đưa ra mức định giá như thế này, hoặc như thế kia. Rồi khách hàng người ta kiện trở lại, đặc biệt là trong những trường hợp người ta không đồng thuận thì rất nguy hiểm.
- Ông có suy nghĩ gì về việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc mua nợ xấu?
- Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc và về xử lý nợ. Dragon Capital cũng đã vào đây để tìm hiểu. Cho đến nay, VAMC đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin cho gần 20 đơn vị trong và ngoài nước trong đó chủ yếu là tổ chức nước ngoài. VAMC cũng đang làm việc cùng với các tổ chức nước ngoài hướng đến hiệu quả cao nhất là bán tài sản minh bạch, phù hợp giá thị trường chứ không phải cho nước ngoài mua theo lô và bán với giá thấp. Tuy nhiên, muốn kêu gọi được đầu tư nước ngoài hơn nữa thì các vấn đề liên quan đến luật pháp, đặc biệt là liên quan đến cấp đăng ký kinh doanh mua bán nợ xấu, quyền sở hữu, chuyển nhượng tài sản cần tiếp tục được hoàn thiện sớm. Tất cả vẫn xoay quanh đến vấn đề pháp lý.
- Xin cảm ơn ông!