Việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được dư luận báo chí và học giả tại Campuchia đánh giá sẽ làm thay đổi mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực, thúc đẩy các chuỗi cung ứng nội khối, tạo động lực quan trọng hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội và môi trường bền vững, đóng vai trò chất xúc tác trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống và sinh kế của người dân trong khu vực, cũng như giúp phục hồi các nền kinh tế sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19.
Đối với Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Seang Thay cho biết, các nghiên cứu đưa ra dự báo sau khi RCEP có hiệu lực sẽ giúp xuất khẩu hàng năm của Campuchia tăng thêm 7,3%, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 23,4% và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 2%. Ông Seang Thay cũng bày tỏ hy vọng RCEP sẽ tiếp tục được mở rộng và có thêm thành viên tham gia trong thời gian tới như Ấn Độ để phát triển thành chuỗi sản xuất toàn diện hơn trong khu vực.
Ông Chheng Kimlong, Phó chủ tịch Viện Tầm nhìn Châu Á (AVI) của Campuchia đánh giá, việc tham gia RCEP mang lại cho Campuchia nhiều cơ hội mới như: mở rộng các thị trường xuất khẩu chưa được khai thác, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và có cơ hội lớn hơn để nâng cấp nền tảng kinh tế và cơ sở tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Campuchia sẽ phải cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ đối với cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiệp định RCEP cũng tạo điều kiện để Campuchia tiếp tục chính sách mở cửa, thu hút nguồn đầu tư và công nghệ nội khối để tạo nền tảng phát triển kinh tế.
“Khi tham gia ký kết thỏa thuận thương mại RCEPsẽ mang lại lợi ích lớn cho Campuchia. Đầu tiên là về thị trường. Đặc biệt, khi đi vào thực hiện thì Thỏa thuận này là một khung pháp lý bảo vệ quyền lợi chính đáng của Campuchia, cũng như các nước nhỏ khác trước các đối tác lớn hơn”, ông Chheng Kimlong chia sẻ.
Mey Kalyan, Chủ tịch Viện Phát triển nguồn lực Campuchia (CDRI) cho biết, là một công dân Campuchia, ông rất vui và tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực thời kỳ hậu Covid-19, RCEP chắc chắn sẽ có tầm quan trọng lớn vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang mất cân bằng do đại dịch và chủ nghĩa bảo hộ. Trong bối cảnh hiện tại, RCEP sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Campuchia để thúc đẩy kim ngạch thương mại với các nước thành viên, mặt khác Campuchia cũng phải nỗ lực hơn để nắm bắt những cơ hội này.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích lớn, RCEP cũng khiến Campuchia phải đối mặt nhiều khó khăn như vấn đề nhân lực, thị trường xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Campuchia cần phải làm sao để cân bằng giữa thị trường xuất khẩu và nhập khẩu cũng là vấn đề được đặt ra.
Hiệp định RCEP được khởi động từ tháng 11/2012 tại Phnom Penh, khi Campuchia là nước Chủ tịch luân phiên ASEAN với kỳ vọng tạo ra một không gian thương mại tự do và đầu tư rộng mở giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và các nền kinh tế phát triển trong khu vực, sau 8 năm trải qua nhiều vòng đàm phán tích cực, RCEP đã được chính thức ký kết tại Hà Nội vào ngày 15/11/2020. RCEP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, với thị trường khoảng 2,2 tỷ người, chiếm 30% GDP và 28% trao đổi thương mại toàn cầu./.