Theo đó, Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đây có thể coi là một điểm sáng góp phần hạn chế nạn ép mua bảo hiểm khi vay hiện nay, giúp hoạt động bán bảo hiểm sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Tuy nhiên cũng có thể khiến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ bán bảo hiểm của các ngân hàng chậm lại so với trước đây. Để có cái nhìn rõ hơn về quy định này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HP Life Insurance.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu: Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với một vấn đề mà đã được người dân nhắc đến nhiều trong thời gian qua, đó là việc một số ngân hàng có ép người dân mua bảo hiểm khi thực hiện khoản vay và các dịch vụ tại ngân hàng. Tuy nhiên để có thể giải quyết tận gốc vấn đề này, thì theo cá nhân tôi quy định này vẫn chưa thể giải quyết được.
Vì câu chuyện ép hay không ép nó là một ranh giới rất mong manh. Có thể nhân viên ngân hàng sẽ không ép nữa, nhưng sẽ đánh vào tâm lý khách hàng là khi đi vay luôn muốn được giải ngân nhanh, nên sẽ có lời gợi ý nào đó cho việc, nếu tham gia một hợp đồng bảo hiểm tại ngân hàng thì khoản vay này hay dịch vụ này sẽ được giải quyết nhanh hơn. Chính vì vậy quy định này nếu chỉ đưa ra mà không kèm theo các chế tài, không có những hướng dẫn cụ thể thì không thể giải quyết vấn đề được.
PV: Để quy định này có thể mang lại hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn, theo ông các bên liên quan cần ứng xử như thế nào ? Có cần thêm quy định để giám sát hay chế tài đi kèm hay không?
Ông Nguyễn Trọng Hiếu: Theo tôi có thể có một số giải pháp như sau. Giải pháp tốt nhất đó là cấm các ngân hàng bán bảo hiểm. Ngân hàng thì chỉ nên làm tốt nghiệp vụ của ngân hàng mà thôi. Còn việc bán bảo hiểm thì hãy để các đơn vị bảo hiểm đảm nhận theo đúng chuyên môn của họ đã đăng ký. Tuy nhiên trong trường hợp không thể cấm các ngân hàng bán bảo hiểm, thì theo tôi, các cơ quan quản lý cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong việc này.
Nên có những chế tài xử lý nghiêm đối với các hành vi cố ý ép khách hàng mua bảo hiểm của nhân viên ngân hàng. Có quy định về việc ghi âm trong quá trình tư vấn bảo hiểm. Khuyến khích người dân tự ghi âm trong quá trình làm việc.
Trong hợp đồng bảo hiểm cần có những bảng câu hỏi và trả lời thể hiện khách hàng đang được tự nguyện tham gia bảo hiểm theo đúng nhu cầu. Phải có quy định về thời gian thực hiện khoản vay là trước khi tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần nâng cao chất lượng thẩm định đối với các hợp đồng bảo hiểm từ ngân hàng bán ra.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu: Với quy định này theo tôi, hoạt động bảo hiểm sẽ được quản lý chặt hơn, thì đương nhiên tốc độ tăng trưởng của ngành bảo hiểm có thể giảm phần nào. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, chất lượng của các sản phẩm bảo hiểm sẽ tăng lên, và đây mới là điều mà chúng ta cần làm. Bởi vì sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm có những giá trị thực tiễn cao. Ngành bảo hiểm luôn đi cùng với sự phát triển an sinh xã hội.
Ở đất nước nào công tác an sinh xã hội càng lớn, thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm càng cao. Cho nên câu chuyện về bảo hiểm chúng ta cần chất lượng hơn số lượng. Và để sản phẩm bảo hiểm có thể mang lại những giá trị như vậy, thì ngành bảo hiểm phải được phát triển theo hướng thực chất, đúng nhu cầu của xã hội, minh bạch trong tư vấn, trong cung cấp dịch vụ và đặc biệt phải chặt chẽ trong công tác quản lý.