Tại Hội thảo “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức sáng 10/5 tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định: Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, phát triển. Cơ hội là rất lớn, nhưng những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ.

Tại hội thảo, các đại biểu đi sâu phân tích ý nghĩa, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu những tác động có thể có của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới Việt Nam; làm rõ hơn những cơ hội, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức của cuộc Cách mạng này…

cn4_cham_ajbt.jpg
Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay còn rất hạn chế. (Ảnh minh họa: KT)
Các đại biểu khẳng định, ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề này trong cán bộ, đảng viên, các nhà hoạch định chính sách,… còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có những nghiên cứu sâu và hệ thống về bản chất, tác động cũng như thời cơ, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang ở giữa cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba và tích cực ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đi tắt, đón đầu, phát triển. Cơ hội là rất lớn, nhưng những thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ. Thách thức từ chính nội tại quá trình phát triển và thách thức từ môi trường kinh tế xã hội quốc tế mà Việt Nam đang hội nhập.

“Việt Nam phải tiến hành hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trở thành nước công nghiệp. Điều đó chứng tỏ cùng lúc nước ta phải tiến hành 4 cuộc cách mạng. Tuy nhiên, một chủ trương hết sức quan trọng là phải đi tắt đón đầu để có bước đột phá nhưng cũng cần căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và các yếu tố tác động”, PGS.TS. Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các đại biểu cũng cho rằng, để Việt Nam nhanh chóng trở thành nước công nghiệp hiện đại, một trong những nội dung cần quan tâm là vấn đề cải cách, kiện toàn lại nền giáo dục, đào tạo, xây dựng và phát triển các nguồn vốn kinh tế, vốn xã hội đã có. Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học tập là yêu cầu dành cho tất cả mọi người để tạo ra con người hành động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược - Giám đốc chiến lược của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) phân tích: “Việt Nam đang có rất nhiều nền tảng công nghệ thông tin, hạ tầng. Sự đầu tư về hạ tầng Internet từ Viettel, VNPT đã tạo ra một nền tảng không gì dễ dàng hơn để làm internet và công nghệ thông tin công nghệ cao. Tuy nhiên, đầu vào quan trọng nhất vẫn là tri thức và các giải pháp quan trọng khác".

Để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đại biểu cho rằng, hệ thống giáo dục cần kiến tạo được một số loại tư duy gồm: Tư duy lô gic, tư duy hình tượng, tư duy biện chứng, tư duy kinh tế, tư duy chính trị...

Đồng thời, cần tập trung phân tích một số nội dung như đặc điểm và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới phát triển kinh tế - xã hội; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của Cuộc cánh mạng vào phát triển nông nghiệp ở Việt Nam; vấn đề quyền con người và an ninh quốc gia đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.