Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức đã bế mạc sau 5 phiên hội thảo chuyên đề và 1 phiên toàn thể.

Nhiều thông điệp đã được gửi đi từ sự kiện quy mô quốc gia này, đặc biệt là câu chuyện: làm thế nào để từng người dân, từng doanh nhân-doanh nghiệp, tiến tới cả hệ thống chính trị có thể tự tin song hành với các nước trên thế giới, trong tiến trình số hóa nền kinh tế?

Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 được tổ chức một tuần sau khi Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 52 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết cho thấy, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư dù đang được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương, lĩnh vực, ngành-nghề nhưng chưa mang lại hiệu quả. Chính vì thế, Diễn đàn trở thành diễn đàn mở cho các đại biểu đại diện nhiều thành phần kinh tế-xã hội nêu bật những khó khăn-thách thức đối với Việt Nam trong tiến trình số hóa nền kinh tế.

cn4_plda.jpg
Mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn thấp.

Tham dự và điều hành diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại-rào cản đối với tiến trình này. Trong đó, mức độ chủ động tham gia cuộc cách mạng còn thấp, thể chế còn nhiều bất cập, mới chỉ ở mức trung bình 50/100 điểm xếp hạng thấp.

“Quá trình đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ, chưa được triển khai thí điểm, chưa xây dựng được hệ thống quốc gia cho việc ứng dụng có hệ thống, còn thiếu …trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền các nhân và …cơ cấu và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa là động lực, hệ thống đổi mới sáng tạo mới hình thành, chưa đạt, kinh tê số quy mô còn nhỏ, việc đấu tranh đảm bảo an ninh mạng còn phức tạp”, ông Bình chỉ rõ.

Trước khi khẳng định cụ thể những khó khăn, thách thức đó, trong các phiên thảo luận chuyên đề về ngân hàng thông minh, đô thị thông minh, sản xuất thông minh, năng lượng thông minh và kinh tế số, các đại biểu đã công bố nhiều thông tin, gửi đi nhiều thông điệp đáng chú ý về thành tựu “số” Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây. Những thành tựu đó bắt nguồn từ chủ trương “chủ động thích ứng và tham gia vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4” và được thúc đẩy-tác động nhận thức, hành động từ những cấp cao nhất.

Ví dụ như đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các dự án, đề án phát triển đô thị thông minh với kết quả ban đầu đáng khích lệ; Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi để có thể vượt Thái Lan - trở thành nền kinh tế có giá trị thương mại điện tử lớn thứ hai khu vực, chỉ sau Indonesia hay việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đang hiệu quả trong thực tế nhưng để hiệu quả cao hơn nữa, cần tiếp tục nới lỏng chính sách phát hành thẻ tín dụng của các ngân hàng, cần tăng cường các hình thức khuyến mại-kích cầu tiêu dùng…

Không chỉ hỗ trợ làm sáng tỏ những mục tiêu, chiến lược rất cụ thể trong tiến trình số hóa nền kinh tế như những mục tiêu, chiến lược được nêu trong Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Việt Nam; không chỉ phân tích những mặt được và những hạn chế còn tồn tại, các đại biểu tham dự diễn đàn gợi mở-đề xuất nhiều giải pháp với hy vọng Việt Nam chuyển đổi số toàn nền kinh tế nhanh và bền vững.

Thách thức-thuận lợi song hành, dựa trên tinh thần Nghị quyết 52, dựa trên bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực và những giải pháp đã được đề xuất-kiến nghị tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm chỉ đạo với hai việc quan trọng: Thứ nhất là quyết tâm thực hiện theo NQ 01, 02 – phải làm sao tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo, chỉ số năng lực cạnh tranh… bởi những điều này tạo điều kiện tiệm cận với CMCN 4.0.

Điều thứ 2 là yếu tố con người, bởi yếu tố này sẽ rất khó lường. Những dự kiến về mô hình kinh doanh mới của ngày hôm nay nhưng điều đó ngày mai chưa chắc đã đúng, cho nên cần có những con người mới để thích ứng với điều thay đổi liên tục này.

“Kể cả không có CMCN 4.0 thì vấn đề giáo dục càng cần phải làm tốt hơn, đặc biệt là giáo dục miền núi để tránh tái mù chữ. Những tưởng điều này không liên quan đến CMCN 4.0 nhưng lại rất liên quan cho nên cần một cơ chế chính sách phù hợp. Ngoài ra, cần nhấn mạnh đến tính kết nối, tính hợp tác cũng như tăng cường quan hệ các chính phủ với nhau, giữa các doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước. Khi tham gia cách mạng 4.0, chúng ta không chỉ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề của Việt Nam mà còn có trách nhiệm giải quyết cả các vấn đề thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Cùng với những mục tiêu cụ thể trong Nghị quyết 52, một trong những thông tin đáng chú ý được khẳng định tại diễn đàn là dự kiến cuối năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chiến lược này, các yếu tố nền tảng như thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, các nền tảng kết nối và đào tạo… sẽ được đầu tư trước, với hy vọng Việt Nam có thể đứng trong Top 50 quốc gia trên thế giới vào năm 2025 và Top 30 vào năm 2030 về chuyển đổi số.

Phải khẳng định, việc ra đời của các chiến lược chuyển đổi số tầm quốc gia hay từ cấp bộ, ngành, cho đến việc ra đời của các tổ chức-liên minh chuyển đổi số nói chung đều là điều đáng mừng - khẳng định mọi thành phần kinh tế-xã hội đã, đang quan tâm đến tiến trình này. Tuy nhiên, như quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nếu không quan tâm đến tính hệ thống-không kết nối với nhau một cách bài bản, chặt chẽ, hiệu quả sẽ khó như mong đợi./.