Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tiếp tục đối mặt với áp lực suy giảm. Những yếu tố này cũng tác động không nhỏ đến các thị trường chứng khoán thế giới.
Theo số liệu do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố sáng 1/9, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của nước này trong tháng 8 đã giảm xuống 49,7 điểm, so với 50 điểm của tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012.
Biến động từ thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. (Ảnh: AFP). |
Chỉ số PMI tính trên cơ sở 100 điểm, thể hiện hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công xưởng, được xem là một thước đo sức khỏe nền kinh tế đất nước. PMI trên 50 điểm thể hiện tăng trưởng, dưới 50 điểm là giảm sút. Ngành sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy giảm cùng với đà giảm chung của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu.
Số liệu ảm đạm này đã khiến thị trường chứng khoán đồng loạt chuyển sắc đỏ. Tính đến thời điểm 11h sáng 1/9, có hơn 2.000 cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Trung Quốc đã giảm điểm, trong đó cổ phiếu của ngành công nghiệp thép, máy dệt và sản xuất xe hơi giảm mạnh nhất.
Các chỉ số chứng khoán châu Á cũng khá ảm đạm. Đóng cửa phiên giao dịch sáng 1/9, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 1,4%. Chứng khoán Tokyo đã giảm 1,57% trong phiên giao dịch sáng 1/9 khi chỉ số Nikkei giảm 296,71 điểm xuống 18.593,77 ngay sau khi mở cửa giao dịch.
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng không khá khẩm hơn, khi mà chỉ số Công nghiệp Dow Jones trong ngày 31/8 đã giảm 114,98 điểm xuống 16.528,03 điêm. Chỉ số S&P 500 và chỉ số tổng hợp NASDAQ cũng không nằm ngoài xu hướng sụt giảm. Chỉ số DAX của Đức giảm mạnh nhất trong khối thị trường châu Âu. Chỉ số Stoxx 600 cũng giảm 0,4% giá trị.
Nguyên nhân của sự giảm giá thị trường chứng khoán là do các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến tình hình kinh tế của Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà đầu tư tỏ ra bi quan về khả năng cứu thị trường chứng khoán của chính phủ Trung Quốc.
Mặc dù tối 31/8, Chính phủ Trung Quốc đã ra thông cáo khuyến khích các hoạt động sáp nhập, thưởng bằng tiền mặt và mua lại cổ phiếu của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nỗ lực cải cách các xí nghiệp nhà nước và ổn định thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, những động thái từ phía Trung Quốc dường như không đủ để trấn an các nhà đầu tư.
Một nhân viên giao dịch chứng khoán của Ngân hàng tư nhân Baader tại Đức, Stefan Scharffetter cho biết: “Nhìn chung, sự tăng điểm nhẹ của các thị trường trong tuần trước không có nghĩa là những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc đã hết. Ngược lại, những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc không hề bớt đi. Những thông tin từ châu Á không mấy tích cực. Tôi tin là chúng ta sẽ chứng kiến sự dao động trong vài ngày tới và tâm điểm sẽ vẫn là Trung Quốc. Những lo ngại sẽ gây áp lực đối với các thị trường trong những ngày tới”.
Trong thời gian qua, để ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán, bên cạnh các biện pháp như hạ lãi suất cơ bản và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm bơm tiền vào thị trường chứng khoán, Trung Quốc còn giảm giá đồng Nhân dân tệ.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Trung Quốc mới có động thái này. Mặc dù việc giảm giá đồng nội tệ của Trung Quốc gây nhiều bất ngờ, nhưng đây lại là một xu hướng của các thị trường mới nổi. Theo một cuộc khảo sát mới đây do Thời báo Tài chính của Anh tiến hành, các nước đua nhau giảm giá đồng nội tệ đang gây thiệt hại cho thương mại toàn cầu.
Tờ báo này cho rằng các nước đang phát triển giảm giá đồng nội tệ nhằm cải thiện cán cân thương mại. Tuy nhiên, việc làm này không giúp tăng xuất khẩu mà ngược lại làm nhập khẩu giảm sút. Cách làm này cũng đang kéo theo việc suy giảm thương mại toàn cầu và rõ ràng sẽ “không có nước nào chiến thắng”./.