Thảo luận tại hội trường sáng nay (1/11), nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến về kế hoạch tài chính, quản lý nợ công 2016-2020 và kết quả thực hiện ngân sách 2016 và phương hướng năm 2017.
Áp lực trả nợ gia tăng
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho rằng, tỷ lệ nợ công đã ở mức gần vượt ngưỡng an toàn (65% GDP). Trong trường hợp nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đặt sẽ gây áp lực lên khả năng trả nợ, nguy cơ mất an toàn cho tài chính công có thể xảy ra…
Một trong những nguyên nhân được ông Tiến đưa ra là cơ cấu nợ công chưa hợp lý. Theo đó, các nguồn vay với lãi suất cao, có thời gian ngắn hạn lại đầu tư cho các dự án dài hạn. “Nhiều dự án chậm tiến độ, kéo dài thu hồi vốn, làm nặng gánh trả nợ, thất thoát, tham nhũng nhiều, gây nên mất an toàn nợ công, làm giảm ổn định kinh tế vĩ mô,” đại biểu này quan ngại.
Ông Phùng Đức Tiến đề xuất Chính phủ cần có kế hoạch rõ ràng về chi tiêu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và quy trách nhiệm người đứng đầu.
Đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến |
Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP HCM) nhấn mạnh, để giảm nợ công, Chính phủ cần có đưa ra phương án để nuôi dưỡng nguồn thu và giảm chi. Tính toán nguồn thu từ dầu thô và ngoại thương một cách hợp lý, tránh phụ thuộc nguồn thu vào tài nguyên trong nước bởi nếu tiếp tục kỳ vọng vào chỉ tiêu này sẽ gây khó khăn cho nền sản xuất trong nước.
Cùng với nuôi dưỡng nguồn thu, ông Quốc cho rằng, Chính phủ và chính quyền các cấp cần tiết kiệm chi thường xuyên, phát huy nguồn ngân sách làm “mồi” để tạo động lực kinh tế phát triển, thu hút các nguồn vốn từ các nguồn lực khác, tránh phụ thuôc vào ngân sách Trung ương.
Không quy được trách nhiệm cá nhân vẫn chỉ là “bắn chỉ thiên”
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nêu thực tế: Đầu tư công trong giai đoạn vừa qua hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương |
Ông Phương điểm danh nhiều “siêu dự án” có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng hoạt động thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản và cần phải chỉ rõ được trách nhiệm. Trong đó, có dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi từ gần 4.000 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp...
Báo cáo một cách chung chung định hướng, không quy được trách nhiệm cá nhân, theo ông Phương, vẫn chỉ là “bắn chỉ thiên”.
Đại biểu Quốc hội: Dự án hàng nghìn tỷ "đắp chiếu" thì tiền đi đâu?
Giải pháp cụ thể làm nhẹ gánh nợ
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để điều chỉnh và thực hiện kế hoạch tài chính 3 năm và 5 năm tới.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Ông Dũng lưu ý, có một nội dung cần đồng thuận cao đó là nợ công: Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, giải pháp trả nợ thế nào khi năm 2015 nợ công tăng gấp 4,8 lần năm 2001. Nợ công tăng nhanh gấp 3 lần phát triển kinh tế. Năm nay phải trả 95.000 tỷ nợ công.
Bộ trưởng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến nợ công tăng mạnh như: Giá trị GDP không đạt theo dự tính, làm cho tỷ lệ nợ công tăng lên (0,9%); Tái cơ cấu nền kinh tế, đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước chưa đạt kỳ vọng; Giá dầu thô giảm, cam kết hội nhập giảm, cơ cấu kinh tế thay đổi cũng làm giảm ngân sách Nhà nước; Chi giảm nghèo, chi lương tăng (18%) làm cho chi thường xuyên tăng nhanh so với giai đoạn trước.
Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho hay, Chính phủ trình Quốc hội phát hành thêm 170.000 tỷ năm 2016. Theo Bộ trưởng, cần phải hoàn thiện thể chế quản lý nợ công; rà soát lại chiến lược nợ công, chính sách thuế; từng bước tiến hành tái cơ cấu nợ công: giảm nợ trong nước (57%) và nợ nước ngoài (43%); đồng thời huy động trái phiếu chính phủ; điều chỉnh lãi suất huy động…/.Điểm danh một số dự án nghìn tỷ thua lỗ nặng đang “đắp chiếu“