Dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến nhóm ngành du lịch, dịch vụ ở thành phố Đà Nẵng. Thống kê chưa đầy đủ khoảng 70% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng. Trước khó khăn chung, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, các ngân hàng đang khẩn trương rà soát, ban hành các cơ chế hỗ trợ để khách hàng dễ dàng tiếp cận.

Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đều gặp khó khăn. Thiệt hại nặng nề là các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch và sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải tạm đóng cửa. Hơn 90% số khách sạn, công ty lữ hành tạm dừng hoạt động, hơn 800 doanh nghiệp du lịch tạm thời cắt giảm khoảng trên 25.000 lao động.

vov_nha_hang_vang_khach_hznl.jpg
Nhà hàng vắng khách

Ông Lê Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, các doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nộp thuế trong vòng 5 tháng: “Các chính sách của Nhà nước, ví dụ như văn bản của Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ hoặc cơ cấu thời gian trả nợ hoặc giảm lãi suất là quá ngắn không đủ để doanh nghiệp phục hồi. Chúng tôi mong muốn làm sao mà chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách về tiền tệ được kéo dài đến khi nào nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường chứ không phải nói hết dịch. Kể cả khi hết dịch thì cũng phải mất 1 thời gian, phải có độ trễ để hoạt động kinh tế trở lại bình thường”.

Trước nhiều khó khăn của doanh nghiệp, ngày 13/3, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01 hướng dẫn các ngân hàng thương mại khẩn trương rà soát, thống kê để có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến hạn thanh toán...

Theo ông Đoàn Phúc, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Đà Nẵng, dư nợ tại ngân hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khoảng 3.000 tỷ đồng.

“Trước mắt chúng tôi tập trung vào mấy giải pháp chính, tức là mình đánh giá lại tổn thất của khách hàng. Trên cơ sở đó hỗ trợ khách hàng gia, giãn nợ. Gia, giãn nợ hiểu theo nghĩa là gia, giãn mà không chuyển nhóm nợ xấu, như vậy mới giải quyết trọn vẹn vấn đề. Thứ 2 là xem xét miễn giảm lãi trong phạm vi cho phép và thứ 3 là cho vay mới đối với những khách hàng có nhu cầu”, ông Đoàn Phúc nói.

Nhà hàng phải tạm đóng cửa vì không có khách

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã triển khai gói hỗ trợ, miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện, tổng dư nợ của các doanh nghiệp hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là nhóm doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho gần 450 tỷ đồng; miễn giảm gần 14 tỷ đồng lãi suất đối với các doanh nghiệp và cho vay mới 48 tỷ đồng theo lãi suất ưu đãi. Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, hiện các ngân hàng đang rà soát để ban hành cơ chế phù hợp.

“Các doanh nghiệp, người dân có thể liên hệ trực tiếp với các ngân hàng thương mại để được hướng dẫn, xử lý những khó khăn vướng mắc của mình. Trong trường hợp giữa người dân, doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại có vấn đề khúc mắc chưa giải quyết được có thể phản ánh về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh để chúng tôi cùng tham gia, xử lý tháo gỡ khó khăn theo nguyên tắc chúng ta đảm bảo tất cả cơ chế, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng phải được thực thi đầy đủ nhất, nghiêm túc nhất”, ông Võ Minh nhấn mạnh./.