Ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành Reed Tradex cho biết: theo như đánh giá của ngân hàng HSBC, nguồn vốn FDI đầu tư vào khu vực Đông Nam Á chiếm khoảng 7,6% vốn FDI toàn cầu - gần bằng tỷ lệ này của Trung Quốc 8,1%.
Với lực lượng dân số trẻ, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ hứa hẹn sẽ thu hút thêm ngày càng nhiều nguồn vốn FDI từ các công ty đang tìm kiếm nguồn lao động chi phí thấp.
Trong khối các nước ASEAN, Việt Nam đứng thứ 2 trong các quốc gia thu hút nhiều nhất vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp của Việt Nam hầu hết tập trung vào các lĩnh vực lắp ráp cơ bản hơn là phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này sự cản trở việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, mỗi năm Việt Nam dành khoảng 100 tỷ USD cho nhập khẩu, trong đó hơn 20 tỷ USD (tương ứng 23%) là nhập khẩu máy móc và thiết bị. Trong nhiều ngành công nghiệp trọng điểm, tỷ lệ nội địa hóa chiếm khoảng 25-30%. Đây là minh chứng cho hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước.
Hiện nay, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư), Nhật Bản - nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong năm 2012, chiếm khoảng 13,6% tổng vốn đăng ký đang tập trung chủ yếu vào các ngành công nghệ cao đã mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Nguồn vốn FDI Nhật Bản tại Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho chuyển giao công nghệ và nguồn lao động. Bởi chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng như là quá trình của chuyển giao tri thức, thông tin và bí quyết công nghệ qua khỏi biên giới của các công ty; từ các quốc phát triển sang các quốc gia kém phát triển về công nghệ hơn tạo điều kiện cho các hoạt động mua bán, học tập, tiếp thu và ứng dụng tri thức hiệu quả để giúp doanh nghiệp có thể đạt được các điều kiện tiến hành các hoạt động sản xuất và quản lý giống như tại các quốc gia chuyển giao công nghệ ban đầu.
Để trở thành một nước công nghiệp trong thập kỷ tới như mục tiêu của Chiến lược phát triển Kinh tế & Xã hội 2011 - 2020 đã đề ra, nhiệm vụ cấp thiết đối với Việt Nam là xây dựng các ngành công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh. Hơn thế, các ngành công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh sẽ giúp Việt Nam giảm được thâm hụt thương mại, thu hút nhiều công ty nước ngoài và đem đến nhiều cơ hội lớn cho các nhà sản xuất trong nước tham gia hơn nữa vào chuỗi cung ứng toàn cầu./.
Từ ngày 4 đến 6/9/2013 tới diễn ra 3 triển lãm chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó, Triển lãm lần thứ 5 về Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản tại Hà Nội (SIE 2013) - triển lãm là nơi các khách mua hàng Nhật Bản và các nhà sản xuất phụ tùng Việt Nam có thể gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh, Triển lãm công nghệ cao Monozukuri Nhật Bản - kỷ niệm 40 quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Vietnam Manufacturing Expo 2013 - triển lãm toàn diện nhất về Công nghiệp chế tạo và Công nghiệp hỗ trợ.
Sự kết hợp của ba triển lãm này sẽ tạo nên một sân chơi lớn cho cộng đồng các nhà sản xuất. Người mua và người bán sẽ gặp gỡ, trao đối kiến thức và ý tưởng, khám phá công nghệ và phát triển mạng lưới kinh doanh. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu với các nhà công nghiệp Nhật Bản trong việc nhập khẩu máy móc, thúc đẩy sản xuất công nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh để chuẩn bị đón nhận sự mở rộng đầu tư từ Nhật Bản./.