Một số công ty hàng đầu của châu Âu cho biết với chính phủ của họ rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của các công ty này. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Nga, Mỹ, Ukraine và Liên minh châu Âu đang thảo luận về vấn đề Ukraine tại Geneva tuần trước.

Các nước châu Âu hiện vẫn chưa thống nhất về vấn đề trừng phạt kinh tế đối với Nga do quyết định quan trọng này phải có được sự đồng thuận của tất cả 28 nước thành viên EU.

Các công ty hàng đầu của EU như Tập đoàn dầu mỏ BP của Anh , BASF của Đức và ENI của Italia,… đều không đồng thuận với kế hoạch áp thêm lệnh trừng phạt với Nga.

Trong đó, Tập đoàn năng lượng Italia ENI cho biết, châu Âu đang nhập khẩu 30% khí đốt từ Nga và việc áp đặt lệnh trừng phạt năng lượng với Nga sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tập đoàn này.

Bên cạnh đó, tập đoàn BP của Anh cũng lo ngại về động thái này do tập đoàn này nắm 20% cổ phần trong công ty năng lượng Rosneft tại Nga.

Hiện nay, Bulgaria, Phần Lan và Slovakia gần như 100% phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Pháp, Italia và Đức phải nhập khẩu từ 20- 40 % khí đốt từ Nga. Tính trung bình cả EU phụ thuộc tới 30% khí đốt của Nga và 60% khí đốt nhập khẩu từ Nga đi qua đường ống ở Ukraine.

Vào năm 2006 và 2010, do căng thẳng giữa Nga và Ukraine xung quanh vấn đề giá khí đốt, Tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom đã cắt giảm xuất khẩu khí đốt cho Ukraine và nguồn khí đốt sang châu Âu thông qua Ukriane cũng bị gián đoạn. Điều này đã khiến kinh tế khu vực này bị ảnh hưởng không nhỏ.

Do vậy, chính phủ các quốc gia EU cũng như các tập đoàn năng lượng lớn tại đây đều hết sức thận trọng trong việc áp lệnh trừng phạt đối với Nga cũng như bất kỳ động thái nào có thể gây ảnh trở ngại cho nền kinh tế. Thời báo kinh tế Financial Times dẫn lời một quan chức cấp cao châu Âu cho biết: “Chúng ta không dồi dào về nguồn khí đốt như Mỹ, do vậy trước khi đưa ra quyết định cắt giảm đầu tư hay thương mại, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.”./.