Chia sẻ bên lề Tọa đàm khoa học Đối thoại chính sách: “Đề xuất của Bộ Tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 9/5, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng, đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng là hợp lý, bởi ô tô có giá trị cao, đẹp thì cần phải đánh thuế.
“Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Cho nên, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao. Vì có may mắn đó nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu", ông Phụng nói.
Không thể nói "nhờ ơn xã hội, đóng mấy đồng thuế có sao đâu" (Ảnh minh họa: KT) |
Cũng theo ông Phụng, nếu đánh thuế tài sản ô tô thì phải đánh cả tàu, thuyền, máy bay và một số tài sản có giá trị khác.
“Ô tô, tàu, thuyền có nước đánh, có nước không. Nhưng nói chung đây là đối tượng dễ nhìn thấy, người ta dùng nhiều loại thuế để điều tiết. Khi mua sắm thì áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), khi đăng kí thì áp dụng lệ phí, khi sử dụng rồi thì áp dụng thuế tài sản. Một đất nước văn minh phải dùng nhiều loại thuế bổ trợ cho nhau”, ông Phụng nêu quan điểm.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra. Cụ thể, theo chiến lược, trong giai đoạn 2011-2015, tỉ lệ đóng góp của thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP. Song, trên thực tế, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP.
"Các con số này nói lên rằng mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP. Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai", ông Phụng bình luận.
Do đó, trong những năm tới, Bộ Tài chính cần sửa đổi, bổ sung một số Luật thuế. Mặc dù, lần sửa đổi thuế này là một sức ép rất lớn của Bộ Tài chính trước công luận, vì đặt ra yêu cầu là bảo đảm các mục tiêu động viên ngân sách nhưng cũng đảm bảo làm sao môi trường kinh doanh ổn định, đây là bài toán khó.
Không thể nói “Nhờ ơn xã hội, đóng mấy đồng thuế có sao đâu”
Tuy nhiên, PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, hiện một chiếc ô tô có giá 1,5 tỷ đồng bản thân nó phải cõng quá nhiều loại thuế phí, từ giai đoạn xuất xưởng tới khi đến được với người mua.
Trước khi lăn bánh ở Việt Nam, chủ xe phải hoàn thành các khoản: phí trước bạ (10 – 15%: tùy thuộc vào tỉnh, thành phố), phí đăng kiểm, phí sử dụng đường bộ hàng năm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển xe. Trước đó là một loạt sắc thuế: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT.
“Việc tính thuế tài sản ô tô trên 1,5 tỷ đồng có phải nhằm hạn chế người dân sử dụng phương tiện này? Bởi ô tô trước đó đã phải chịu thuế TTĐB, một loại thuế được áp dụng với những hàng hóa, sản phẩm Nhà nước không khuyến khích nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng”, ông Long đặt câu hỏi.
Dọc các tuyến đường, rất nhiều biển hiệu tuyên truyền về việc nộp thuế nhưng không hề nhắc tới trách nhiệm sử dụng thuế (Ảnh minh họa: KT) |
Đồng tình với quan điểm này, GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, trước khi điều chỉnh mỗi một sắc thuế, cơ quan soạn thảo nên tính toán, cân nhắc thật kỹ nếu không sẽ dẫn tới tình trạng lạm thu, thuế chồng thuế.
“Không thể lập luận kiểu nhờ ơn xã hội, đóng mấy đồng thuế có sao đâu. Tuyên truyền thuế không chỉ một chiều. Tuyên truyền kiểu một chiều như thế chỉ ở thời bao cấp thì đúng, giờ là kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, phải hài hòa, công bằng giữa người nộp – người thu – người sử dụng, chứ không thể cứ thu rồi sử dụng mặc ai thì không được. Sao ông Phụng không nói nguồn thuế đó, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đó phải được sử dụng một cách công bằng, hiệu quả và công khai? Sao không nhắc gì tới trách nhiệm sử dụng thuế?”, GS Đặng Đình Đào đặt câu hỏi.
GS Đào khẳng định, thuế là nguồn thu chính của NSNN, nhưng thời gian qua, tình trạng sử dụng NSNN lãng phí, thất thoát, tham nhũng... vẫn còn nhiều. Điều khiến người dân bức xúc là số tiền đóng thuế bị xà xẻo, bị lãng phí, đầu tư không hiệu quả và chi dùng lớn cho bộ máy cồng kềnh. Một bước ra đường gặp trạm BOT cũng phải đóng tiền. Quá nhiều thứ phải đóng góp mà phúc lợi gần như bằng 0.
“Dọc các tuyến đường, chúng ta thấy rất nhiều biển tuyên truyền “Nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân”, nhưng tại sao không thấy biển tuyên truyền “Ai sử dụng lãng phí thuế là có tội với Tổ quốc, với nhân dân?”, GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, thu nhập của người Việt Nam hiện ở mức trung bình thấp so với thế giới. Do đó, người làm chính sách cần biết “khoan sức dân”, để người dân có tiền. Có như vậy mới kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất. Không nên tăng thu ngân sách bằng những sắc thuế như vậy. Thay vào đó, cần tăng thu bằng cách chống thất thoát, gian lận, trốn thuế./.
Tăng thuế để bù hụt thu ngân sách: Lợi trước mắt, hại lâu dài
3 đề xuất về thuế không nên thực hiện trong vài năm tới để khoan sức dân