Algeria là thị trường vẫn còn dư địa cho cà phê Việt Nam và trong tương lai, cà phê vẫn sẽ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta vào thị trường này. Ngoài cà phê nhân xô, doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến, cà phê hòa tan có giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh cà phê, Algeria cũng có nhu cầu lớn đối với mặt hàng gạo do nước này không sản xuất lúa gạo nên mặt hàng này gần như được nhập khẩu 100%. Số lượng gạo nhập khẩu của Algeria khoảng 100.000 tấn/năm, chiếm trên 1% trong cơ cấu tiêu dùng lương thực của nước này. Về chủng loại, gạo nhập khẩu chủ yếu là loại gạo trắng, hạt dài, 5% tấm và gạo đồ.

Thị trường Algeria vẫn còn triển vọng cho gạo Việt Nam do người dân đã quen với việc sử dụng gạo Việt. Mặt khác, lượng người lao động châu Á tại Algeria ngày càng đông, sẽ góp phần làm tăng cầu về gạo tại thị trường Algeria.

Cùng với gạo và cà phê, thủy hải sản cũng nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm. Cá tra của Việt Nam được bán với giá khoảng 5 USD/kg, tương đương với loại cá biển đánh bắt rẻ nhất của Algeria là cá chích, do vậy hàng Việt Nam có tính cạnh tranh cao.

Những mặt hàng mà Algeria có nhu cầu cao và có triển vọng tăng kim ngạch trong thời gian tới như: hạt tiêu, quê, hạt điều.

Tuy vậy, ông Hoàng Đức Nhuận, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu: “Khi chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều hội thảo thương vụ kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại như trong năm nay giữa Việt Nam và Algeria thì có một số doanh nghiệp ở nước sở tại nói chào giá cao quá. Vì hàng xuất khẩu sang châu Phi nói chung mà một số mặt hàng song song là xuất khẩu qua trung gian và quốc tế ở châu Âu, Trung Đông thì các doanh nghiệp cũng nắm được thì giá cả, nhưng nhiều khi đấu giá cao hơn giá của quốc tế, vậy cho nên cũng khó xuất vì tâm lý họ mua hàng giá rẻ đa dạng. Thứ hai là nói về thuế nhập khẩu do là chưa phải thành viên của WTO, nên thuế phí nhập của họ tương đối cao”./.