Gia đình anh Nguyễn Văn Duy ở xã Ea Ktua, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk có gần 1 ha cà phê, năm nay cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn cà phê nhân. Với giá bán hiện nay hơn 40.000 đồng/kg mang lại cho gia đình gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón, thuê người thu hái hơn 200.000 đồng/công, số tiền thu về chỉ còn khoảng 35 triệu đồng.
“Năm nay cà phê cũng được mùa, được giá nhưng giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng tăng theo. Cho nên thu nhập cà phê sau khi trừ chi phí chẳng còn được bao nhiêu”, anh Duy tâm sự.
Theo tính toán của ông Ngô Minh Đức, ở xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, 1 ha cà phê mỗi vụ cần khoảng khoảng 55 triệu đồng tiền phân bón, chi phí tưới nước, công chăm sóc và thu hoạch. Bên cạnh đó, các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng giá 20%, cũng khiến người trồng cà phê không có lời nhiều. Năng suất vụ cà phê này đạt 2,5 tấn, giá bán cũng cao hơn vụ trước. Nhưng sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận còn lại không tương xứng với thời gian, công sức của gia đình đầu tư suốt một năm.
“Ban đầu thu hoạch thấy vụ mùa năm nay khả quan hơn những năm trước, giá cả hiện nay cao hơn so với năm ngoái 10.000 đồng/1kg. Mặc dù giá cả cao hơn, tuy nhiên tính tiền đầu tư thì người nông dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá phân bón rất cao, giá phân bón năm nay so với năm ngoái tăng gần 100.000/bao, như vậy bỏ ra một tấn phân thì phải tăng từ 1,8 đến 2 triệu đồng, vì thế ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập”, ông Đức phân tích.
Ông Ngô Xuân Biên, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar cho biết, toàn huyện có gần 38.000 ha cà phê đang vào thu hoạch, năng suất trung bình khoảng 2,5 tấn cà phê nhân. Hiện giá cà phê tăng đầu vụ là tín hiệu tốt, nhưng các chi phí đầu tư cũng tăng cao.
“Khi giá cà phê lên thì các mặt hàng khác cũng tăng theo, tuy nhiên tính ra không phải đến mức độ người nông dân sản xuất bị lỗ, vẫn có lãi nhưng lãi không cao. Cũng mong, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành liên quan nên kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng, cơ sở sản xuất, các đại lý mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tránh đầu cơ, tăng giá ảnh hưởng đến người nông dân”, ông Biên cho biết thêm.
Vụ cà phê năm nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 209.000 ha cà phê với sản lượng ước đạt trên 500.000 tấn. Người trồng cà phê tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang rất cần một cơ chế ổn định giá vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất, tránh tình trạng cà phê được giá nhưng nông dân kém vui./.