Năm qua, biển khơi cho nhiều tôm cá, đời sống của ngư dân thêm khấm khá. Mùa Xuân đang gõ cửa từng nhà, những ngày này tàu cá của ngư dân các tỉnh Duyên hải miền Trung lại nối đuôi nhau hối hả ra khơi mở phiên biển mới. 

Nghe nội âm thanh phóng sự tại đây 

Những ngày cuối Tháng Chạp, tại nhiều cảng cá các tỉnh miền Trung nhộn nhịp tàu thuyền ra vào bến.

Thời điểm này, cá ngừ xuất hiện nhiều trở lại trên các ngư trường truyền thống, từng đoàn tàu trở về mang theo niềm vui được "lộc biển". Tàu nào cũng đánh bắt từ 2 tấn cá ngừ đại dương trở lên. Ngư dân Phạm Văn Hồng ở phường 6, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên nói rằng, được mùa cá ngừ, giá thu mua cao nên nhiều tàu cá tiếp tục vươn ra biển trong những ngày Tết cổ truyền: “Trong chuyến biển vừa qua, riêng bà con tỉnh Phú Yên đạt 100%. Ai khá cũng kiếm được 100 triệu đồng trong chuyến biển. Trong chuyến này, tôi câu được 38 con - tổng cộng 1,9 tấn, trừ chi phí tổn còn hơn 80 triệu đồng. Chuyến sau tôi sẽ mua một cái thùng, thí điểm ướp lạnh theo mô hình của Nhật Bản để con cá đạt hơn”.

ca_ngu_2_opfl.jpg
Ngư dân Phú Yên chuyển cá ngừ lên bờ 

Đánh bắt cá ngừ theo công nghệ của Nhật Bản được ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung theo đuổi trong thời gian gần đây. Chuyện đội tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đi tiên phong về cách đánh bắt mới đã tạo cú hích cho ngư dân miền Trung mạnh dạn thay đổi cách làm truyền thống. Ngư dân Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nói chắc như đinh đóng cột, lối đánh bắt mới đã mang lại hiệu quả cao hơn.

Trên hành trình vươn khơi bám biển, ngư dân được chính quyền, doanh nghiệp địa phương và đối tác Nhật Bản giúp đỡ lắp đặt các thiết bị hiện đại câu cá ngừ đại dương.

Những ngày giáp Tết Ất Mùi, gần chục con cá ngừ đại dương đưa lên máy bay xuất khẩu sang chợ cá Osaka - Nhật Bản. Sau 2 đợt xuất khẩu vừa qua, gần 20 con cá ngừ của ngư dân Bình Định được tiêu thụ tại thị trường này.

 

Chợ đấu giá hải sản Osaka- Nhật Bản
Ông Kato Hirosuke - Giám đốc Văn phòng Thương mại tổng hợp Kato hào hứng cho biết, kết quả hợp tác với tỉnh Bình Định mà trực tiếp là ngư dân đã khởi đầu suôn sẻ: “Chúng tôi đã bán hết được cá ngừ đánh bắt tại tỉnh Bình Định. Ngư dân Việt Nam đã thực hiện hoàn hảo các quy trình kỹ thuật đánh bắt và xử lý tại chỗ. Tôi hy vọng điều này sẽ nhận được sự chú ý cần thiết”.

Trong nỗ lực vực dậy kinh tế biển vốn là thế mạnh của miền Trung, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều tính đến việc tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.

“Quả ngọt” từ chương trình hợp tác giữa tỉnh Bình Định và đối tác là Công ty Kato Office - Nhật Bản đã mang lại tín hiệu tốt đẹp, mở lối cho con cá ngừ đại dương Việt Nam nhảy vào thị trường Nhật Bản. Cánh cửa xuất khẩu loại thủy sản đặc biệt này chính thức rộng mở tại thị trường Nhật - nơi tiêu thụ mạnh loại cá ngừ sống để làm món sushi truyền thống của người Nhật.

Ngư dân được mùa cá ngừ đại dương ngày đầu năm
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifsco) cho biết, nguồn cá ngừ đại dương được đánh bắt theo mô hình mới đã giúp doanh nghiệp tự tin bước ra biển lớn. Bà Kim Lan nói: “Tỉnh đã chỉ đạo doanh nghiệp cũng như huyện Hoài Nhơn đào tạo lại ngư dân bài bản, chuyên nghiệp; vừa lý thuyết, vừa thực hành. Chúng tôi sẽ rà soát lại công nghệ của Nhật Bản, cải tiến, bổ sung thêm cho đầy đủ các thiết bị trên tàu phù hợp với điều kiện ngư trường của Bình Định”.

Cả nước hiện có 3.600 tàu khai thác cá ngừ đại dương, tập trung chủ yếu tại 3 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Trong vài năm trở lại đây, sản lượng khai thác loại cá này ổn định khoảng 16.000 tấn/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương tăng lên gần 600 triệu USD vào năm 2014. Hiện, cá ngừ đại dương của Việt Nam đã xuất khẩu đến 99 nước trên thế giới, thị trường chủ yếu là Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ...

Mỗi năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương. Đây là cơ hội tốt cho cá ngừ Việt Nam vượt đại dương bước vào những thị trường lớn.

Từng tổ đội tàu cá miền Trung rẽ sóng vươn khơi
Năm cũ qua đi là dịp để mỗi người nhìn lại và suy ngẫm. Câu chuyện đưa con cá ngừ đại dương của ngư dân miền Trung nhảy vào Nhật Bản thành công đã mở ra hướng đi mới trong chuyện làm ăn thời hội nhập.

Từ nay, ngư dân các tỉnh miền Trung tiếp tục theo đuổi khát vọng làm giàu từ biển. Ngư dân Lê Văn Hồng ở phường Đông Tác, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khẳng khái, Tết này ông và bạn thuyền sẽ ăn Tết trên biển: “Chúng tôi ăn Tết ở trên biển rất vui và đầy đủ. Tôi đã ăn trên ở trên biển được 8 năm...”.

Đất trời vào Xuân. Những con tàu khai thác xa bờ của ngư dân miền Trung hối hả hướng ra biển lớn mang theo niềm tin và hy vọng về một năm mới may mắn, an lành./.