Thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, đại biểu Bùi Đức Thụ, đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, thông qua báo cáo của Chính phủ và qua giám của Ủy ban Ngân sách có thể thấy, tổng mức dư nợ công đến cuối 2015 là 61,3% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% và nợ quốc gia dưới 50% là những chỉ số an toàn nhưng bội chi đang có xu hướng tăng dẫn đến áp lực tăng nợ công.

Đại biểu Thụ chỉ rõ, năm 2016, xét về tỉ trọng bội chi NSNN có giảm so với 2015 nhưng số tuyệt đối lại tăng từ 226.000 tỷ đồng lên 254.000 tỷ. Thêm vào đó, năm 2015 mới trả nợ chỉ được 150.000 tỷ nhưng lại vay bội chi ngân sách lên 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Như vậy, khối lượng vay lớn gấp đôi so với khối lượng đã trả được.

“Tình trạng này năm 2016 cũng không khắc phụ được! Trả nợ theo dự toán năm 2016 là 155.000 tỷ nhưng trong khi đó đảo nợ là 95.000 tỷ đồng và bội chi ngân sách là 254.000 tỷ đồng. Như vậy, để thấy cân đối ngân sách khó khăn. Nợ công nằm trong giới hạn nhưng số tuyệt đối tăng. Đây là một vấn đề đặt ra trong bối cảnh kinh tế hội nhập, mở cửa rộng hơn và sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những biến động của kinh tế thế giới”, Đại biểu Bùi Đức Thụ cho biết.

Về tài chính ngân sách, Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, Chính phủ muốn bán cổ phần của các doanh nghiệp lớn, nhưng nếu Quốc hội có đồng ý thì vẫn còn treo lại 21.000 tỉ, do đó cần phải có những giải pháp quyết liệt.
ban_dc_7f7e4_rsqv.jpg
Chú thích ảnh

Theo Đại biểu Thụ, bội chi sẽ không phải ở mức 25.000 – 26.000 tỉ đồng mà sẽ phải cộng thêm. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bội chi của cả năm 2015 có thể sẽ lớn hơn. Do đó, cần thiết phải giảm được mức chi, giảm những khoản chi không cần thiết.

Về kế hoạch đảo nợ trong năm 2016, theo đại biểu Thụ cho biết, trong 4 năm gần đây kế hoạch đảo nợ không thực hiện được, tỉ trọng vay ngắn hạn lớn quá nên áp lực trả nợ lớn dẫn đến khó cân đối.

“Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thiết phải làm để xử lý vấn đề ngân sách, không phải vay cho tiêu dùng thường xuyên và trả nợ nữa. Nếu chúng ta để thu quá cao như dầu thô năm nay thì khi trục trặc lại khó khăn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh”, Đại biểu Thụ cho biết.

Đối với đề nghị của Chính phủ trong đa dạng hóa nguồn vay trái phiếu chính phủ, trong khi hiện nguồn vay trong nước mới vay được một nửa, không biết từ nay đến cuối năm sẽ phải lấy nguồn từ đâu để thực hiện các mục tiêu. Điều này sẽ làm co hẹp lại nguồn tín dụng nhà nước. Vay trong nước chủ yếu là ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, tôi đồng ý với Chính phủ là phát hành trái phiếu ra nước ngoài, trước mắt là 3 tỷ USD với lãi suất thấp, nhưng việc này phải làm nhanh nếu không lãi suất sẽ cao hơn.

“Đảm bảo lợi ích của đất nước, tôi đề nghị phải sửa đổi Luật nợ công cho phù hợp với tình hình thực tiễn”, Đại biểu Bùi Đức Thụ nói.

Bội chi ngân sách năm 2015 có thể tăng trên mức 5% GDP

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách trong nhiệm kỳ vừa qua ở mức thấp nhất. Trong 5 năm trước chúng ta huy động vào ngân sách khoảng 25%GDP nhưng đến nhiệm kỳ này tỷ lệ huy động trung bình chỉ đạt 21% GDP nên Việt Nam đang ở vào vị trí cận báo động rơi vào nhóm những nước có chính sách phát triển kinh tế không phù hợp.

“Các loại thuế gián thu phải tăng lên nếu không chúng ta sẽ mất cân đồi cán cân thu – chi. Tại sao nói GDP và các chỉ tiêu tăng nhưng ngân sách lại ngày càng thiếu vì chính sách tài khóa của chúng ta có thể nói là chưa phù hợp”, ông Quang nói.

Về bội chi năm 2015, mặc dù trong báo cáo đến thời điểm này vẫn ước là bội chi 5% GDP, nhưng theo số liệu năm 2014, bội chi không phải 5,3% mà nâng lên 6,7% bởi vì chúng ta chưa kể phần ODA huy động vượt. Năm 2015, ngoài 20.000 tỷ ODA theo kế hoạch sẽ huy động thêm 20.000 tỷ vốn ODA nhưng có khả năng Chính phủ sẽ huy động lên 50.000 tỷ (vượt 30.000 tỷ đồng) gồm cả vốn đối ứng của nhà nước nên bội chi của năm 2015 sẽ không phải là 5% như báo cáo mà cũng như năm 2014, bội chi sẽ tăng lên rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang băn khoăn khi giá dầu thô giảm, tỷ trọng đưa vào ngân sách khá nhiều nhưng nguồn thu ngân sách trong nước vẫn chưa đạt được.

Do đó, việc thoái vốn sử dụng một phần vào chi tiêu thường xuyên và chi tiêu phát triển là theo đại biểu Nguyễn Hữu Hùng là cần phải xem lại, bởi trước đây mong muốn ngân sách dư ra để đầu tư phát triển, nhưng giờ Chính phủ lại phải thoái vốn.

Kiến nghị trong phần chi ngân sách, đại biểu Trịnh Thế Khiết, đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, hiện nay nguồn tập trung có 11 tỉnh thành thu đủ chi. Còn lại 52 tỉnh thành thu nhờ vào ngân Trung ương nên cần quản lý tốt hơn nguồn  chi. Do đó, cần giảm mạnh bộ máy hành chính, giảm chi cho bộ máy này, vì hàng năm vẫn có chỉ đạo giảm 10% nguồn chi cho hành chính nhưng vẫn chưa giải quyết được, nên cần giảm mạnh hơn nữa chi cho bộ máy này, tránh việc bộ máy phình ra, hiệu quả kém đi.

Mặt khác cần tập trung quản lý tốt các công trình có vốn quản lý của nhà nước, đặc biệt là các công trình phúc lợi quốc gia. Trong khi nhiều công trình đưa ra vừa hoàn thiện đã phải xử lý các yếu kém, xuống cấp nên cần kiểm tra kiểm soát chặt chẽ thì mới đáp ứng nhu cầu, nếu không cũng phải cải tiến quy trình thủ tục từ khâu đầu tư ngay từ ban đầu./.