Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, qua kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, có thể khẳng định Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đủ khả năng và điều kiện kiểm soát kinh tế vĩ mô, trong đó tăng trưởng phấn đấu đạt 6,7%; lạm phát không thể vượt quá 4% như Nghị quyết Quốc hội đã giao. 

mai_tien_dung_rvcz.jpg
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo chiều 2/6/2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hôm nay (2/6), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2018; việc giao kế hoạch đầu tư vốn từ một số nguồn thu; tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương và việc ủy quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình sử dụng dự phòng ngân sách Trung ương hàng quý; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra tháng 5 năm 2018 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ;…

Về kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đánh giá những kết quả đạt được là tích cực và rất đáng mừng, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao và có nhiều dự báo khả quan về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, nhiều chỉ số tích cực như: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%); thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định; thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có bước cải thiện; giải ngân vốn FDI đạt khá, cao hơn cùng kỳ. Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực, tương đối toàn diện trong cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; điểm sáng là công nghiệp và dịch vụ. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,39 tỷ USD.

Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng tới 10,1%. Khách du lịch quốc tế đạt trên 6,7 triệu lượt. Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng trưởng cao và xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh. Khu vực kinh tế tư nhân cũng phát triển ẩn tượng, đặc biệt là 5 tháng qua cả nước đã có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký mới và bổ sung đạt 1,42 triệu tỷ đồng...

Mặc dù đạt kết quả tích cực 5 tháng qua, nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá còn một số tồn tại hạn chế cần quyết liệt khắc phục, không được chủ quan, lơ là.

Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 0,55% so với tháng trước. Đây là mức tăng cao trong khi mục tiêu quan trọng của năm nay là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, "Chính phủ và Thủ tướng đủ khả năng điều hành và kiểm soát lạm phát như mục tiêu"- Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 Cùng với đó, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn khó khăn, trong đó nhất là tình trạng nông sản vẫn phải giải cứu. Một hạn chế nữa là, sản xuất công nghiệp dù ở mức cao nhưng ngành chế biến chế tạo có xu hướng chậm lại, đặc biệt, khai khoáng giảm 2,2%. Một tồn tại muôn thuở là giải ngân vốn đầu tư công chậm, 5 tháng mới đạt 28,7% kế hoạch vốn giao...

Và, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn (5 tháng có trên 5.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 18,1% và gần 33.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,9%)Vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được triển khai triệt để, nhiều bộ ngành chưa quyết liệt.

 Chính phủ cũng cho rằng, còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, như: xử lý nợ xấu còn chậm; chi phí logistics còn cao; quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí; cơ cấu lại các ngành công nghiệp chưa đồng bộ, còn bất cập; việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị còn hạn chế; chưa có nhiều thương hiệu mạnh, chất lượng cao…/.