Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hiện nay có 429 công trình thủy điện quy mô khác nhau với 56 tỷ m3, tổng công suất trên 20.000 MW, đóng góp 37% nguồn năng lượng. Đây là nguồn năng lượng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân.

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo rất quan trọng, độ ô nhiễm ít. Chính vì vậy, quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu những tác động môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là việc rất quan trọng. Thủy điện có cả những mặt tích cực và có những mặt hạn chế tồn tại trong quản lý. Thủy điện cũng đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của các địa phương cũng như phát triển năng lượng của cả nước. Ngoài việc phát điện thì các hồ chứa nước thủy điện còn có tác dụng tích nước, cắt lũ và giảm lũ tùy thuộc vào công suất.

“Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận những tác động tiêu cực do thủy điện gây ra, đặc biệt là tác động đến môi trường, đất, nước cũng như cả đời sống dân sinh. Vấn đề này còn tùy thuộc vào cách thức của con người tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Có những công trình tác động đến dòng chảy, tác động đến địa chất trong khu vực cũng như nguồn lợi thủy sản và đời sống của nhân dân, chiếm đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng, chống lụt bão và môi trường” - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Thủy điện đã được sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ trong thảo luận, giám sát cũng như yêu cầu cụ thể. Đặc biệt từ sau Nghị quyết 62 của Quốc hội ban hành vào cuối năm 2013, và sau đó là Nghị quyết 11 của Chính phủ về “Việc thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội”, thì việc thủy điện phát triển nói chung cũng như quản lý an toàn hồ thủy điện, vận hành các công trình thủy điện đã được đảm bảo. Hàng năm đều có các cuộc kiểm tra, giám sát và báo cáo Quốc hội về độ an toàn hồ, đập thủy điện, vận hành hệ thống điện và phòng chống thiên tai tại địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư về kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện, không xâm phạm vào rừng tự nhiên từ năm 2016, Bộ Công Thương đã phối hợp các bộ, ngành không cấp phép bất kỳ thủy điện nhỏ, vừa nào nếu sử dụng diện tích đất tự nhiên. Thực tế từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nào sử dụng rừng tự nhiên.

Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, theo chỉ đạo của Quốc hội trong việc xem xét, đánh giá hiệu quả các dự án điện, nhất là thủy điện nhỏ và vừa, thời gian qua đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án đồng thời đưa ra khỏi 8 dự án thủy điện bậc thang ở vùng sâu và 213 điểm tiềm năng trong phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch.

Về vận hành và an toàn hồ đập, chúng ta có hàng loạt công cụ pháp lý, từ Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ tài nguyên nước, Luật Môi trường, Luật Điện lực… để điều chỉnh hoạt động thủy điện, gắn với bảo vệ phòng chống thiên tai và bảo vệ an toàn hồ thủy điện. Nghị định 444 Chính phủ mới ban hành, trong đó các bộ, ngành đều có Thông tư hướng dẫn để đảm bảo an toàn đập hồ thủy điện, hồ thủy lợi, đã có phân cấp và xác định rất rõ trách nhiệm cũng như quy trình để đảm bảo yếu tố này.

Vấn đề liên quan đến vận hành đập hồ thủy điện trong phòng, chống lụt bão để giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân địa phương, chúng ta cũng đã có hàng loạt các văn bản pháp quy hướng dẫn. Ví dụ Thông tư 47 của Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn chủ đầu tư dự án chủ động phối hợp với chính quyền địa phương phải thiết lập hệ thống giám sát, quan trắc tự động và giám sát hệ thống vận hành của các nhà máy thủy điện. Với nguyên tắc để đảm bảo lượng nước xả không vượt quá lượng nước về hồ, đồng thời có phương án phòng, chống lụt bão căn cứ chỉ đạo của bộ, ban, ngành, địa phương, trong đó, bản đồ vùng hạ du là một nội dung quan trọng.

“Tuy nhiên, không tránh khỏi có những câu chuyện ở địa phương, ví dụ như tại thủy điện Hố Hô năm 2016, xảy ra việc xả lũ vượt quá thẩm quyền gây ngập vùng hạ du. Việc này các cơ quan xử lý kiên quyết” - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Về việc thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến mưa lũ, sạt lở đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ đến các tỉnh miền Trung, khảo sát thực tế, ghi nhận ý kiến đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng, cho thấy các vụ sạt lở đất đều gắn chặt với yếu tố dị thường của thời tiết. Khi lượng mưa lớn, kéo dài, thời gian lưu bão lâu, đã tác động đến cấu tạo địa chất, thổ nhưỡng địa phương.

"Tất nhiên, câu chuyện liên quan đến tác động của việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật... do tác động của con người thông qua các dự án thủy điện cũng như các dự án khác là những vấn đề không thể phủ nhận trong một chừng mực nhất định"- Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết./.