Bộ Công Thương đang Dự thảo Thông tư quy định kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức: Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất; kết hợp phương thức kiểm tra, xác minh.

Kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo đề nghị của cơ quan xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm quản lý rủi ro, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; theo đề nghị của cơ quan hải quan nước nhập khẩu, cơ quan chức năng điều tra nước nhập khẩu vì lý do kiểm tra xác suất hoặc có cơ sở nghi ngờ hợp lý; phối hợp với cơ quan hải quan Việt Nam trong trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

ktra_visk.jpg
Việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa sẽ được tăng cường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Dự thảo cũng quy định về xác minh xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất được thực hiện trong trường hợp nhằm quản lý rủi ro, chống gian lận xuất xứ hàng hóa; theo đề nghị của cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong trường hợp kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa.

Việc xác minh cũng được thực hiện theo đề nghị của cơ quan chức năng điều tra nước nhập khẩu, về việc phối hợp xác minh tại cơ sở sản xuất trong trường hợp có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa; phối hợp với cơ quan hải quan Việt Nam trong trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

Cơ quan xác minh xuất xứ hàng hóa tiến hành xác minh tại cơ sở sản xuất để thu thập và xác nhận thông tin, bao gồm cơ sở sản xuất, trụ sở văn phòng tồn tại hợp pháp và phù hợp với thông tin đăng ký hồ sơ thương nhân; hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường xuất khẩu trước thời điểm xác minh xuất xứ hàng hóa; năng lực sản xuất, tình trạng máy móc, nhân công, địa điểm lưu kho; thông tin về hàng hóa, nguyên liệu, nhà cung cấp nguyên liệu sử dụng để sản xuất ra hàng hóa; việc lưu trữ, xuất trình và giải trình hồ sơ chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ khác liên quan; kiến thức chung về xuất xứ hàng hóa của thương nhân.

Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, trong kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chịu trách nhiệm thực hiện hoặc hướng dẫn cơ quan, tổ chức cấp C/O kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; phối hợp với cơ quan hải quan nước nhập khẩu, cơ quan chức năng điều tra nước nhập khẩu trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu; phối hợp với cơ quan hải quan Việt Nam kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức cấp C/O, cơ quan, đơn vị chức năng liên quan để thông báo bằng văn bản về các mặt hàng có rủi ro cao, gian lận về xuất xứ hàng hóa; thực hiện hoặc hướng dẫn cơ quan, tổ chức cấp C/O áp dụng biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa./.