Tại buổi làm việc ngày hôm nay (5/8), Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng đã báo cáo về một số nguyên nhân và hướng chỉ đạo của tỉnh.

Theo đó, nguyên nhân đầu tiên được xác định là do chủ đầu tư đã không tuân thủ quy trình, quy định về thiết kế tổ chức thi công và không thực hiện chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước. Chủ đầu tư đã tiến hành thi công đê quai (bảo vệ phần đập bị vỡ năm ngoái) khi chưa được sự cho phép của tỉnh. Khi phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ và chỉ được phép thi công khi được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng các chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. UBND cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng gồm Sở Công thương cũng như UBND huyện Đức Cơ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của mình để rút kinh nghiệm về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

dap_thuy_dien_1_bjzz_hojk_lzak.jpgNước lũ dâng cao ở hạ nguồn thủy điện Ia Krêl 2 sau khi đập bị vỡ

Cùng với yêu cầu của UBND tỉnh Gia Lai, đơn vị thiết kế công trình đã cảnh báo chủ đầu tư, thời gian xây dựng đê quai chỉ được thực hiện trong những tháng mùa khô, nhưng chủ đầu tư đã không tuân thủ, kéo dài thi công đến mùa mưa. Đơn vị giám sát, đơn vị thi công thuỷ điện cũng không thực hiện đúng chức năng của mình. Các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai, như Sở Công thương, UBND huyện Đức Cơ đã phát hiện sai phạm của chủ đầu tư nhưng không kiên quyết xử lý.

Thông qua việc trực tiếp xuống hiện trường và qua báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo: “Phải làm rõ trách nhiệm, quy rõ trách nhiệm và mức phạm sai phạm để xử lý thật nghiêm túc. Nếu do chủ đầu tư cố tình làm sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xem xét đến những biện pháp xử lý về mặt pháp luật. Vấn đề này thuộc về thẩm quyền và trách nhiệm của UBND tỉnh.”

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu, phải dừng ngay việc thi công thủy điện Ia Krêl 2, xem xét, tính toán những hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường và ảnh hưởng đến người dân, nếu thấy cần thiết thì phải loại bỏ. Cùng với đó, tỉnh cần nhanh chóng xác minh thiệt hại do vỡ đập và có biện pháp khắc phục, ổn định cuộc sống người dân. Những việc này cần phải được tiến hành khẩn trương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo đến Bộ Công thương và các Bộ ngành liên quan trong thời gian sớm nhất./.