Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương kéo dài trong nhiều năm là vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Tại phiên chất vấn hôm nay (30/10), đại biểu Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp - chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về "sức khoẻ" của một số dự án trong 12 "đại dự án" nghìn tỷ bị thua lỗ.

Ông Hòa nêu câu hỏi: Liệu các dự án này sẽ tồn tại hay phá sản và Bộ Công Thương có xử lý trách nhiệm cá nhân những người có liên quan hay không?

pham_van_hoa_hwlz.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà 
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, "sức khỏe" chung của 12 dự án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố ví dụ như diễn biến của thị trường... Tuy nhiên, mục tiêu là giảm thiểu tối đa thiệt hại của Nhà nước. Vì vậy, Bộ Công Thương tuân theo chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý 12 dự án thua lỗ.

Ông Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc xem xét, xử lý trách nhiệm của từng cá nhân trong việc để xảy ra thua lỗ này rất được chú trọng. Tính đến nay, 12 dự án đều đã được tiến hành thanh tra, bao gồm cả thanh tra Chính phủ, thanh tra của Bộ, thanh tra của địa phương.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

6 dự án đã kiểm toán để có cơ sở đánh giá về thiệt hại cũng như dấu hiệu, sự vi phạm pháp luật. 4 dự án đã chuyển cho cơ quan điều tra và đang tiếp tục xem xét những dấu hiệu vi phạm khác để tiếp tục tiến hành điều tra tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Người đứng đầu ngành công thương cũng nêu rõ: Có 2 dự án đã tiến hành khởi tố hình sự vụ án là xơ sợi Đình Vũ và dự án nhiên liệu Phú Thọ. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đã bị xử lý trước pháp luật với những hình phạt nghiêm minh liên quan đến thua lỗ của 12 dự án này. 

Đây là 1 trong 12 dự án nghìn tỷ "đắp chiếu" của ngành công thương.

Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã khẳng định, Bộ đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể 12 dự án kém hiệu quả, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.

Đối với 6 dự án mà lúc trước là các nhà máy phải dừng kinh doanh vì không có hiệu quả, nợ, đến nay trong số đó đã có 2 dự án và nhà máy bước đầu có hiệu quả tích cực nghĩa là không còn lỗ và đã có lãi, ông Trần Tuấn Anh nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình

Liên quan đến 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, việc xử lý đã đạt được những kết quả khá tích cực: 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại. Các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020./.