Những ngày qua, người dân ở Bình Dương liên tục phản ánh cửa hàng xăng dầu đóng cửa nghỉ bán, hoặc treo bảng "hết xăng, còn dầu" khiến nhiều người phải "đỏ mắt" đi tìm nơi còn hoạt động. Thế nhưng, cơ quan chức năng tỉnh lại khẳng định các thương nhân đầu mối đảm bảo nguồn cung ứng cho các cửa hàng, đại lí. Người dân cho rằng, liệu có việc cửa hàng xăng dầu "găm hàng" chờ tăng giá? 

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 25/10, Bình Dương có 260 cửa hàng xăng dầu đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 65 cửa hàng trực thuộc 9 thương nhân đầu mối, còn lại là đại lý bán lẻ. Sở Công Thương khẳng định, hệ thống kho dự trữ luôn ở mức đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh xăng dầu để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý trong hệ thống; mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu luôn đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh theo thời gian đăng ký. Mức tiêu thụ bình quân xăng, dầu mỗi ngày khoảng 1.500 - 2.000m3. 

Hiện nay, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ với mức dự trữ đủ cung cấp xăng A95 trong 12 ngày, xăng E5 7 ngày, Dầu DO 66 ngày; Công ty Xăng dầu Sông Bé - TNHH Một thành viên với mức dự trữ đủ cung cấp từ 3 ngày đến 9 ngày.

Trong 2 ngày 24 và 25/10, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhận được thông báo của 5 cửa hàng về việc "còn xăng, hết dầu", "còn dầu, hết xăng" và "đang chờ nhập hàng từ nhà cung ứng". Ngoài ra, Sở cũng đã lập đoàn kiểm tra đột xuất hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, với 9 thành viên chia thành 2 tổ. Trong ngày 25/10 đã kiểm tra 34 cửa hàng, trong đó có 24 cửa hàng hoạt động bình thường; 7 cửa hàng đóng cửa do hết xăng; 2 điểm hết xăng, hoặc dầu; 1 điểm đang nhập hàng.

Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa do mức chiết khấu khá thấp, chỉ từ 100-150 đồng/lít nên không đủ chi phí để duy trì hoạt động. Ngoài ra, có một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhập hàng từ các nhà cung cấp ngoài tỉnh (khoảng 40%) nên xảy ra tình trạng cửa hàng đóng cửa tạm thời để chờ nhập hàng.

Trong khi ngành chức năng nói đủ nguồn cung nhưng các cửa hàng vẫn đóng cửa, treo bảng "hết xăng, còn dầu", "hết hàng", khiến người dân đặt vấn đề có hay không việc "găm hàng" chờ tăng giá. 

Ông Vũ Hoàng Trường Sơn, người dân ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương cho biết có nơi chỉ bán xăng cho xe máy, không chịu đổ cho ô tô: "Mình dự định đi công tác Đăk Nông nhưng xe hết xăng mà hai ngày nay đi kiếm chỗ đổ xăng thì có 3 cây xăng còn hoạt động. Tuy nhiên, mỗi nơi chỉ đổ 300.000 đồng, với 900.000 đồng chỉ đi được đoạn đường khoảng 400km. Cơ quan quản lí lúc nào cũng nói không thiếu, không khan hiếm, người dân cũng không biết do điều hành, hay do cây xăng, dầu họ găm hàng chờ lên giá".

Cùng tâm trạng bức xúc như anh Sơn, chị Lanh, người dân ở TP. Thủ Dầu Một thắc mắc, lúc xăng, dầu tăng giá không xảy ra tình trạng khan hiếm, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì lại có hàng loạt lí do để ngưng bán: "Xăng lên giá hay xuống giá thì người dân vẫn phải đổ xăng để đi lại. Lần trước đã xảy ra tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, nay lặp lại thì người dân không biết sắp tới ra sao. Nhà nước phải có cách nào đó, chính quyền can thiệp để có thể cung cấp đủ xăng cho người dân. Đây là vấn đề rất bức xúc mà cần phải giải quyết ngay".

Trước thực tế đó, nhiều người dân cho rằng, ngành chức năng ở Bình Dương chưa thật sự "mạnh tay" với các cửa hàng xăng dầu nếu đầu cơ găm hàng chờ tăng giá. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài sẽ làm xáo trộn đời sống người dân và ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh./.