Theo Quy định của Luật Thủy sản 2017, trước ngày 1/7 tới, các địa phương phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 24 mét. Đến nay, tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc lắp đặt này. Tuy nhiên, hiệu quả của việc lắp đặt thiết bị này chưa như mong muốn.

Theo quy định của Luật Thủy sản 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì tất cả tàu cá dài từ 15 mét trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển. Chính phủ đã có những quy định chi tiết về lộ trình lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá. Theo đó, đối với tàu cá dài từ 24 mét trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019. Tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương dài từ 15 mét đến dưới 24 mét phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020. Tại tỉnh Bình Định, hầu hết các tàu cá đánh bắt xa bờ, nhất là nghề câu cá ngừ đại dương, ngư dân đã chủ động lắp thiết bị giám sát hành trình và khai báo với cơ quan chức năng.

vov__thiet_bi_giam_sat_hanh_trinh_tren_tau_cau_ca_ngu_dai_duong_cua_ngu_dan_binh_dinh_qldi.jpg
Thiết bị giám sát hành trình trên tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định

Ngư dân Văn Công Việt, chủ tàu cá BĐ - 91189 ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, năm ngoái, khi biết chủ trương bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình Movimar, ông đã đi tìm hiểu và thử nghiệm một số thiết bị, thấy hoạt động ổn định thì tự bỏ tiền ra mua

“Hiện giờ tàu của tôi dư giám sát hành trình. Thứ nhất là tôi có máy Movimar giám sát hành trình. Vừa rồi tôi mới mua một thiết bị giám sát hành trình nữa. Tôi tự mua, tôi tự bắt luôn. Ở nhà tôi cài đặt trong điện thoại, bật ra biết tàu đang ở vị trí nào, chỗ nào, hành trình tàu của tôi chạy vòng chỗ nào ở nhà tôi vẫn biết, thấy hay nên tự giác mua”, ông Văn Công Việt chia sẻ.

Thiết bị giám sát hành trình vệ tinh hiển thị trên điện thoại của ông Việt

Tỉnh Bình Định hiện có 2.850 tàu cá dài từ 15 m đến dưới 24 m; trong đó, 2.200 tàu được hỗ trợ lắp đặt thiết bị VX-1700 (máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS) để giám sát việc nhắn tin về trạm bờ. Đến nay, tỉnh Bình Định có gần 550 tàu cá được lắp đặt máy định vị vệ tinh Movimar. Trong đó, 69 tàu dài trên 24 mét và 477 tàu dưới 24 mét, đạt 100% tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá từ 24 mét trở lên.

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đơn vị đang lên kế hoạch trình lãnh đạo tỉnh Bình Định để yêu cầu lắp thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá từ 12 mét trở lên.

“Chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh là với đặc thù của Bình Đinh, tàu 12m nhưng đánh từ Kiên Giang- Vũng Tàu, Bình Định không quản lý được. Do đó, đề nghị 12m mà ở nhà thì thôi, nhưng muốn đi trong kia, tỉnh muốn quản lý thì phải bắt buộc. Tại vì anh ở xa tôi không quản lý anh được. Anh không về thì tôi phải biết, nếu anh không mở máy, anh vi phạm là tôi đề nghị thu hồi đăng ký”, ông Võ Đình Tâm cho hay.

Thiết bị giám sát hành trình để biết vị trí tàu khi hành nghề trên biển

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trở ngại lớn nhất là việc nâng cấp trạm bờ và nâng cấp thiết bị VX 1700 để tự động báo về trạm bờ vẫn chưa thực hiện đạt yêu cầu, nhất là tần suất nhắn tin tự động về trạm bờ 2 giờ/lần. Một số tàu cá vẫn chưa chủ động nhắn tin về.

“Qua rà soát, có một số tàu họ không mở thiết bị và một số tàu đang nằm bờ cho nên trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường chỉ đạo làm sao tất cả các tàu khi khai thác thì phải mở thiết bị 24/24 để tự động cập nhật về hành trình của các tàu”, ông Trần Văn Phúc nói/.