Gia đình ông Hoàng Đình Quân, ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định phải tiêu hủy đàn lợn khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát. Hơn 40 con lợn thịt và lợn nái đều bị tiêu hủy. Khi có chủ trương cho vay tiền tái đàn không tính lãi, ông Quân đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này, ông mua 4 con lợn nái và 40 con lợn con về nuôi.
Ông Hoàng Đình Quân cho biết, đàn lợn phát triển rất tốt: “Nhà nước cho vay không có lãi giúp vốn cho bà con tăng đàn chứ vừa rồi dịch tả lợn Châu Phi, đàn lợn hỏng hết toàn bộ, bà con trắng tay không còn tiền để chăn nuôi tái đàn. Giờ Nhà nước hỗ trợ phần đấy, bà con rất phấn khởi”.
Không chỉ hộ chăn nuôi được vay không tính lãi suất mà cả các trang trại chăn nuôi cũng được hưởng chính sách này. Trang trại chăn nuôi lợn của anh Trần Thanh Tuất ở xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chính sách tái đàn lợn của địa phương. Hiện, trang trại của gia đình anh Tuất nuôi 150 con lợn nái và 500 con lợn thịt. Anh Trần Thanh Tuất cho biết, trang trại của anh còn nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan thú y trong phòng ngừa dịch bệnh, quy trình chăn nuôi an toàn.
“Sự hỗ trợ và chính sách của tỉnh để hỗ trợ tái đàn thì hộ gia đình mình cũng mạnh dạn tái đàn. Nhất là về con giống, lựa chọn giống tốt để vừa tái đàn cho tổng đàn của địa phương, vừa cung cấp con giống ra cho bà con. Bên cạnh tái đàn, mình cũng rất chú trọng quy trình chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học cho trại và cho đàn heo”, anh Trần Thanh Tuất cho hay.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã dành 150 tỷ đồng, cho vay không tính lãi với hơn 3.000 hộ chăn nuôi lợn. Bà con đã mua 41.000 con lợn giống và lợn thịt, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và sửa chuồng trại. Nhờ vậy, tỉnh Bình Định đã khôi phục đàn lợn hơn 1 triệu con, trong đó khoảng 120.000 con lợn nái sinh sản, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường mỗi tháng hơn 9.000 tấn, góp phần bình ổn giá trị thường, mang lại nguồn thu ổn định cho người chăn nuôi.
“Sau khi tình hình dịch tả Châu Phi chấm dứt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tuyên truyền các hộ dân tiêu độc sát trùng, đảm bảo được chuồng nuôi để tiếp tục thả đàn heo lại, tăng số lượng đàn heo trong dịp trước, trong và sau Tết. Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành cùng bà con, đặc biệt xây dựng các trang trại rồi hỗ trợ con giống và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm. Một giải pháp nữa là chúng tôi liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết thêm./.